Có nên mở cuộc thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo?
Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, nhiều chuyên gia cho rằng còn khá lạ lẫm, chưa hài hòa với không gian văn hóa Thủ đô. Liệu Hà Nội có nên mở cuộc thi kiến trúc để tìm ra phương án tối ưu cho cây cầu 9.000 tỷ này.
Cầu Trần Hưng Đạo phải mang đậm nét văn hóa của Thủ Đô
Theo Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong dự án 18 cây cầu quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nó có vị trí rất quan trọng vì góp phần kết nối hai bờ tả và hữu của Hà Nội, đồng thời nâng cấp hạ tầng giao thông thủ đô theo hướng hiện đại để phát triển.
Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm, từ trước đến nay chúng ta chỉ biết cầu là một công trình giao thông và chưa chú ý đến vấn đề kiến trúc. Bởi vì hiện nay cầu cũng được coi là điểm nhấn quan trọng trong đô thị.
Đặc biệt, cây cầu bắc qua sông Hồng, nó phải là một biểu tượng của cửa ngõ để khi người từ phía Bắc về Hà Nội, đi qua cầu Trần Hưng Đạo sẽ nhận thấy ngay điểm nhấn của Hà Nội.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tuân cho biết: “Qua các thông tin trên báo chí những ngày vừa rồi, tôi có được biết đến phương án kiến trúc được lựa chọn trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Về việc này chúng ta cần lưu tâm hơn nữa”.
Ông Nguyễn Xuân Tân phân tích thêm, hình ảnh của cầu Trần Hưng Đạo trong nghiên cứu tiền khả thi có kiến trúc lạ mắt, nhiều nhà tư vấn thiết kế gọi đó là phong cách Đông Dương, và tự đặt cho nó cái tên: Xứ Đông Dương. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cầu Trần Hưng Đạo mang dáng dấp kiến trúc gần giống một cây cầu bên London (Anh).
“Liệu lớp trẻ sau này họ nhìn lại cây cầu sẽ cho rằng chúng ta đã không được nhiệt huyết với nó chăng? Mỗi công trình cầu tồn tại hàng trăm năm, kiến trúc của nó là điểm nhấn đô thị, tồn tại cùng Hà Nội cả thế kỷ, cần phải có một thiết kế kiến trúc phù hợp với văn hóa, nét đặc sắc của Hà Nội và Việt Nam” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội lấy ví dụ, tại Huế có cây cầu Trường Tiền, Đà Nẵng có Cầu Vàng… tất cả các cầu đó đều mang trong dáng dấp của mình những nét văn hóa đặc trưng của nơi nó được xây dựng lên, không màu mè và rất gần gũi, xứng đáng trở thành biểu tượng của mỗi địa phương.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo cần có một thiết kế mang đậm dấu ấn của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.
“Cầu Vĩnh Tuy nằm trên Vành đai 2, là cầu kết nối tuyến đường lớn ra ngoại tỉnh, cầu Chương Dương lại được thiết kế, xây dựng trong một giai đoạn lịch sử cũ còn nhiều khó khăn. Nằm giữa hai cây cầu đó, cầu Trần Hưng Đạo là một cơ hội để Hà Nội có thêm kiến trúc đẹp, thêm điểm nhấn cho cảnh quan đô thị”.
Ông Nguyễn Xuân Tân đề xuất, Hà Nội nên tổ chức một cuộc thi để tìm ra thiết kế có tầm cỡ, phù hợp với vai trò, ý nghĩa của cầu Trần Hưng Đạo. Quan trọng nhất là chọn ra phương án kiến trúc mang đậm nét văn hoá của Hà Nội.
“Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hiện có rất nhiều kiến trúc sư giỏi, có thể hiến cho chúng ta kiến trúc cầu tương xứng với kỳ vọng, trường tồn với thời gian”.
Cần thi tuyển phương án kiến trúc
Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án. Trong đó, phương án 3 được nhiều thành viên lựa chọn nhất với 13/15 phiếu tán thành, phương án 1 và 2 cùng được 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn.
Ngay sau khi thông tin về phương án kiến trúc cây cầu được công bố, nhiều chuyên gia lên tiếng góp ý, phản biện. Xuất hiện ý kiến gay gắt liên quan đến kiến trúc cây cầu này, đa số là phản đối. Trong khi đó, đại diện đơn vị thiết kế khẳng định sẽ cầu thị, lắng nghe, tiếp thu để làm sao hướng tới sản phẩm đẹp hơn, nhận được sự đồng thuận cao nhất.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, đến nay vẫn chưa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi về các phương án thiết kế kiến trúc.
Với xếp hạng nói trên, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án 3 - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cầu được xây dựng để phục vụ cả cộng đồng dân cư, cả xã hội. “Ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo cách áp đặt. Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân”.
UBND TP Hà Nội đã nhất trí với đề xuất phương án thiết kế kiến trúc của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông và chấp thuận giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Đồng quan điểm, trả lời báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, việc thiết kế cầu cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt.
Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hình BOT cần phải được cân nhắc. Việc đặt trạm thu phí BOT ở trước cầu sẽ gây cản trở rất lớn về hoạt động phát triển giao thông, nhất là với khu vực giao kết giữa nội đô và ngoại thành, giữa hai bờ sông Hồng còn đang quá thiếu cầu phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.
KTS Trần Huy Ánh bày tỏ rõ sự lo lắng về một số vấn đề kỹ thuật của cầu. Cụ thể, nếu cầu xây thấp thì tĩnh không mâu thuẫn với tĩnh không các cầu đã xây mới rất cao ví dụ như: Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, có thể ảnh hưởng đến luồng đường thuỷ trên sông Hồng. Nếu cầu xây cao thì ảnh hưởng không lưu phi trường Gia Lâm.
Ông Nguyễn Xuân Tân bổ sung thêm, nếu cầu xây quá cao, thì đường dẫn phải kéo dài để đảm bảo ATGT. Như phương án đơn vị nghiên cứu đưa ra, điểm đầu đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo được đặt tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Như vậy cung đường trên cao đi qua Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhiều cơ quan quan trọng khác của Bộ Quốc phòng liệu có gây lo ngại về vấn đề an ninh.