Đau đầu với nhà ở xã hội
Trong lúc thị trường bất động sản nhiều biến động, thì cũng tồn tại việc nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp có rất ít, càng khiến cho “giấc mơ an cư” của người lao động xa dần. Vì vậy, cần tăng số lượng nhà ở xã hội giá rẻ, phù hợp số đông là vấn đề được đặt ra ngày một cấp thiết.
Xây dựng nhà ở xã hội là một chủ trương lớn, đáp ứng nhu cầu an cư của người lao động thu nhập thấp và trung bình, cũng như góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Người lao động tích lũy bao nhiêu năm thì mua được nhà?
Tại TP Hồ Chí Minh, 3 năm trước, cơ quan chức năng cho biết theo thống kê thành phố có khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm gia tăng khoảng 200.000 người. Trong khi đó, tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ rất chậm. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội.
Trong 5 năm (2016-2020), TPHCM chỉ phát triển được gần 15.000 căn nhà ở xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Đến năm 2020, cũng chỉ có khoảng 18.000 căn nhà ở xã hội, một con số rất khiêm tốn.
Gần đây, một số doanh nghiệp bất động sản “đánh tiếng” cho biết sẽ đưa ra thị trường những căn hộ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy là rẻ so với thời giá, nhưng suy cho cùng nếu một căn hộ 50m2 thì cũng có giá tới 1 tỷ đồng, mức giá không nhiều người lao động có thể mua được.
Cũng có thể nêu dẫn chứng, đó là việc giá bán căn nhà ở xã hội cũng theo đà tăng chung của bất động sản, mỗi năm một cao hơn, càng khiến giấc mơ sở hữu một căn hộ của người lao động lùi xa. Như các dự án chung cư ở phường Trường Thọ (Thủ Đức, TPHCM) mở bán vào năm 2015 với giá 16 triệu đồng/m2, căn hộ 50m2 khoảng 800 triệu đồng. Nhưng rồi giá đã tăng lên 25-28 triệu đồng/m2 năm 2019; rồi 30 - 35 triệu đồng/m2 năm 2020 và hiện tại hơn 40 triệu đồng/m2. Còn tại các dự án chung cư phường Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh (cũng ở Thủ Đức) mới được mở bán với giá đặt cọc hơn 42 triệu đồng/m2. Như vậy, muốn có một căn hộ chung cư “giá rẻ” tại đây cũng phải có khoảng 2 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã gọi là nhà ở xã hội, hay là chung cư giá rẻ thì phải ở mức giá từ 500 triệu đến 800 triệu đồng “là kịch trần”, thì người lao động mới có hy vọng.
Lấy ví dụ: Hai vợ chồng công nhân nhận lương khoảng 16 triệu đồng/tháng, nhưng trang trải chi phí phòng trọ, điện nước, ăn uống, gửi trẻ, mua sữa cho con… thì chỉ còn lại khoảng 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm tích lũy được 24 triệu đồng, nếu mua nhà xã hội khoảng 1 tỷ đồng dù được vay 70% (chưa tính phần lãi và trả nợ gốc) thì số tiền “tự có” 30% phải có tích lũy ít nhất là 14 năm.
Như vậy, cần có giải pháp tăng số lượng nhà ở xã hội có giá bán phù hợp với số đông, kể cả việc xây nhà giá rẻ cho người lao động thuê dài hạn. Cùng đó, một số ý kiến cho rằng, lâu nay có tình trạng nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp không “rơi vào” người lao động, mà lại “vào tay” người lắm tiền. Vì thế, việc xét kỹ đối tượng được mua, cũng như xử lý những đối tượng “chạy suất” là cần thiết, trả lại những căn hộ rất khó khăn mới có được ấy cho người lao động.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng lại kêu là không có. Vì rằng, nếu xây nhà ở xã hội bán giá thấp thì “lời lãi chẳng được là bao”.
Vì thế, ở lĩnh vực này cũng rất cần công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ và còn cần hơn là tấm lòng đối với người lao động, người thu nhập thấp.
Bán đứt hay là cho thuê dài hạn?
Tới nay, không chỉ Hà Nội, TPHCM “đau đầu” vì nhà ở xã hội, mà đó cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, như việc đánh thuế bất động sản (vào người sở hữu bất động sản thứ hai trở đi, “ôm” đất nhưng không xây dựng), lấy đó làm nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Hoặc là việc ngân hàng cho người lao động vay với lãi suất rẻ để mua nhà ở xã hội; sau một số năm thì chủ nhà được quyền bán lại...
Tuy nhiên, những điều đó vẫn không khả thi, số căn hộ nhà ở xã hội vẫn ít, số người lao động không thể mua được nhà vẫn ngày một nhiều hơn. Vì thế, để giải quyết vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng nhà ở xã hội nên là nhà dành cho thuê (có thể là thuê dài hạn) chứ không phải là bán đứt.
Kinh nghiệm xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp ở một số quốc gia là rất đáng để chúng ta tham khảo. Ví dụ như ở Nhật, chủ yếu loại hình nhà này là để cho thuê. Giá thuê rẻ nếu gia chủ chứng minh được thu nhập thấp, nhưng giá thuê sẽ tăng dần tỷ lệ thuận với mức thu nhập của họ.
Còn tại Singapore, có một loại nhà được Chính phủ xây dựng và quản lý, gọi là căn hộ HDB, người dân có thể thuê trong vòng 99 năm, kể từ lúc được bán mới lần đầu. Việc mua bán, chuyển nhượng, sang tên các căn hộ này chịu rất nhiều quy định chặt chẽ, từ mức trần thu nhập đến tư cách pháp lý của người mua, người bán…
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Singapore, với Việt Nam cũng có thể áp dụng bằng cách vừa bán đứt, vừa cho thuê nhà ở xã hội (tất nhiên thời gian cho thuê lâu dài). Thực tế thì hiện nay ở ta việc “bán đứt” vẫn là chủ yếu, vì thế cũng không có nhiều người đủ tiền để mua căn hộ, cho dù nó được gọi là nhà ở xã hội giá thấp. Trong khi nó lại rơi vào tay những người có tiền, mua đi bán lại kiếm lời, khiến cho tình hình khó khăn hơn.
Tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản mới đây, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết giá đất nền liên tục gia tăng trong 2 năm gần đây, khoảng từ 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đáng lưu ý, một số nơi có hiện tượng phân lô, bán nền, tung tin, đồn thổi, nhiễu loạn thị trường để trục lợi. Cũng xuất hiện không ít sàn giao dịch bất động sản câu kết nhằm “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” để hưởng chênh lệch. Để ngăn chặn hành vi “thổi” giá đất, Bộ Xây dựng cho biết sẽ hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cần có chế tài với tình trạng “đấu giá cuội, đấu giá có quân xanh - quân đỏ”, “đấu thầu chân gỗ” hoặc thông đồng “dìm giá” hoặc “đẩy giá ảo” hoặc lợi dụng đấu giá, đấu thầu để trục lợi bất chính, gây ra các hệ quả tiêu cực.
M.Sang