Nhiều chính sách mới tác động đến thị trường bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định. Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Trong quý 2/2021, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản. Trong đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà.
Cụ thể, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như:
Ngày 21/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Nghị định này quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định này quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc diện quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, bao gồm: việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc di dời, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc cưỡng chế phá dỡ, giải phóng mặt bằng đối với nhà chung cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Đối với lãi suất vay mua nhà ở xã hội, ngày 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-NHNN về mức lãi suất vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm.
Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BXD quy định về QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; Thông tư số 02/2021/TT-BXD về QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình; Thông tư số 03/2021/TT-BXD về QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.
Ngày 30/6/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Thông tư này quy định chi tiết về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng cấp công trình xây dựng trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Thông tư này áp dụng với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình, nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 30/6/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BXD sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 và Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 2 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, chẳng hạn như: Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản...;
Cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế; Thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch (như thông tin về quy hoạch, các dự án được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án....) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số địa phương…