3 đột phá để tăng trưởng kinh tế bền vững
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào các dự thảo văn kiện này.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào các dự thảo văn kiện này.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần 3 đột phá để phát triển
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; hướng đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu này, tôi cho rằng cần có 3 đột phá.
Đầu tiên là vấn đề thể chế. Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành rất nhiều đạo luật, làm sao có một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ. Về cơ bản cố gắng phải khắc phục những sự chồng chéo để cởi trói cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai, dù cải cách hành chính tốt rồi, nhưng đâu đó vẫn còn những kêu ca của người dân và doanh nghiệp về sự ách tắc trong một số khâu. Cái này cần rút kinh nghiệm.
Vấn đề tiếp theo là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kể cả trong hệ thống quản lý và hệ thống doanh nghiệp. Hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có đột phá, dẫn đến ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp so với khu vực và thế giới. Đây là những điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ. Muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại thì phải làm chủ được công nghệ, có sản phẩm công nghệ “made in Vietnam”. Không có công nghệ thì mãi mãi chúng ta đi sau.
Mà muốn phát triển công nghệ thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đã có chủ trương đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục. Đây là chủ trương đúng và trúng. Quan trọng là phải tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả, thì mới tạo được đột phá để phát triển.
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đẩy mạnh vai trò trụ cột của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước
Năm 2020, dù phải đưa ra quan điểm chỉ đạo “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nước ta vẫn đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh thành công mà vẫn tăng trưởng kinh tế dương. Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu nêu trên, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
Để khát vọng trên trở thành hiện thực, tôi cho rằng, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản: Đó là chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) và yếu tố tăng trưởng kinh tế đạt mốc 40.000 USD vào năm 2045.
Về lý thuyết, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7%/năm, sau 10 năm có thể tăng gấp 2 lần. Như vậy đến năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7.000-8.000 USD; năm 2045 cũng chỉ đạt từ 20.000-25.000 USD.
Theo kinh nghiệm của các nước “cất cánh trở thành con rồng Châu Á” phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao, khoảng 10%/năm, dựa vào đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ... Vì vậy, tôi đề nghị, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Quan điểm này phải trở thành đường lối hành động chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết của Đảng, cũng như chiến lược của Chính phủ hành động trong thời gian tới.
Tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Đại hội XIII của Đảng (Dự thảo), Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.
Theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 10.11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.