Friday, May 22, 08:05 AM

'Rừng thủ tục' trong cấp, gia hạn giấy phép hành nghề y

Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Giấy phép hành nghề và giá dịch vụ khám chữa bệnh là 2 vấn đề nổi cộm được các các đại biểu Quốc hội đề cập sâu.

'Rừng thủ tục' trong cấp, gia hạn giấy phép hành nghề y
'Rừng thủ tục' trong cấp, gia hạn giấy phép hành nghề y
39rung-thu-tuc39-trong-cap-gia-han-giay-ph233p-h224nh-nghe-y_1.jpg
Các đại biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: Quang Vinh.

Giấy phép rườm rà, thiếu thực tế

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu băn khoăn trước các quy định trong luật về cấp phép, gia hạn giấy phép hành nghề quá rườm rà, không phù hợp với quá trình cải cách hành chính hiện nay. Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc quy định thu hồi giấy phép hành nghề khi không hành nghề 5 năm là quá dài. “Vì thời gian thu hồi giấy phép khi cơ sở khám chữa bệnh không hoạt động chỉ 12 tháng. Còn với người 5 năm không hành nghề chắc chắn tay nghề sẽ khác. Vì vậy cần xem xét việc người hành nghề 5 năm không hoạt động mới bị thu hồi giấy phép” - ông Minh kiến nghị.

Theo phân tích của đại biểu Lê Văn Thìn (đoàn Phú Yên), luật quy định gia hạn giấy phép hành nghề đối với người hành nghề khám chữa bệnh trong hồ sơ phải có giấy chứng minh không thuộc các trường hợp bị cấm như: bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị cấm hành nghề, bị mất năng lực hành vi dân sự. Ông Thìn cho rằng: Việc yêu cầu các giấy tờ trên là không khả thi, chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính; chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp là đủ. Bên cạnh đó theo ông Thìn, việc cho phép đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến người hành nghề “ghi danh” ở các cơ sở khám chữa bệnh chứ không hành nghề, hoặc lợi dụng để hành nghề ở các cơ sở tư nhân của mình rồi kéo bệnh nhân sang đó. Vì vậy, nên quy định chỉ được phép đăng ký hành nghề tại 1 cơ sở khám chữa bệnh.

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng, giá trị giấy phép hành nghề là 5 năm. Sau 5 năm phải cấp lại. Do đó đối với cơ sở hành nghề không vi phạm thì nên gia hạn tiếp để giảm thủ tục hành chính. “Thời gian chờ làm thủ tục cấp lại mất mấy tháng. Nếu chưa làm thủ tục cấp phép lại thì trong thời gian đó hành nghề như thế nào?” - ông Nghiêm nêu câu hỏi.

Còn đại biểu Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng, ngành Quân đội có những y sĩ xuống giúp dân, có những tài năng khác về khám chữa bệnh trong quân đội. Theo luật, cấp phép hành nghề phải do Hội đồng y khoa quốc gia cấp; nhưng có nhiều thứ mà Hội đồng y khoa quốc gia chưa chắc đánh giá được hết năng lực của lực lượng này. Vì vậy, trong cấp chứng chỉ hành nghề với các y sĩ thì nên giao cho ngành Quân đội xác định, đánh giá và cấp giấy phép. Bởi họ là những “bác sĩ mang quân hàm xanh”, nhận lệnh là đeo ba lô lên đường, có người đi hơn chục xã để khám chữa bệnh cho dân.

Giá không được vượt khung

Liên quan đến dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có vấn đề giá, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, cần quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định, nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Bên cạnh đó, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, trong khám chữa bệnh có bố trí ngân sách của nhà nước, và việc xã hội hoá. Nhà nước luôn đảm bảo ngân sách để chi và hỗ trợ cho cơ sở khám chữa bệnh công lập. Tuy nhiên về giá dịch vụ, cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể, bởi giá được cấu thành từ 3 nhóm chi phí trong quá trình khám chữa bệnh.

“Vừa qua trong xác định giá có nhiều vấn đề. Luật lần này làm sao phải cụ thể hoá càng nhiều càng tốt để sau này xác định giá cụ thể hơn. Nếu không sẽ khó xác định “chi phí khác” là chi phí nào?” - bà Hà cho hay và đề nghị khung giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành nhưng làm sao phải chặt chẽ. Bởi HĐND cấp tỉnh quy định giá đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn địa phương nhưng không được vượt quá khung do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Còn giá của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo quy định của Luật Giá, và dựa trên khung giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, tránh việc đưa ra giá vượt khung.

Giải trình trước các ý kiến đại biểu Quốc hội đưa ra tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về giá khám chữa bệnh cần đi từng bước để tính đúng tính đủ; trong đó có yếu tố khuyến khích các cơ sở y tế phát triển. Đặc biệt xã hội hóa y tế là vấn đề quan trọng. Đây là điểm vừa qua mắc sai phạm nhiều nên Bộ đang xây dựng Nghị định Liên doanh liên kết trong xã hội hoá và trình Chính phủ. Về giá, Bộ Y tế chỉ quy định khung giá, trên cơ sở đó HĐND các địa phương căn cứ để quy định khung giá. Như vậy sẽ sát và gắn với trách nhiệm của địa phương.

39rung-thu-tuc39-trong-cap-gia-han-giay-ph233p-h224nh-nghe-y_2.jpg
Đại biểu Bế Minh Đức.

Quy định cụ thể quyền của cảnh sát cơ động

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về quyền hạn của cảnh sát cơ động quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác, cũng như đề nghị quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ. Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.

“Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, quy định thẩm quyền như dự thảo luật là quá rộng. Nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp. Do đó cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết thì cảnh sát cơ động mới có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định” - ông Đức nêu quan điểm.

39rung-thu-tuc39-trong-cap-gia-han-giay-ph233p-h224nh-nghe-y_3.jpg
Đại biểu Đặng Bích Ngọc.

Tiếp tục duy trì thanh tra huyện

Cùng ngày 26/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội. Theo đó trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện. Hoạt động thanh tra trên địa bàn huyện sẽ do Thanh tra tỉnh thực hiện nhằm giảm đầu mối và các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra. Quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó tiếp thu các ý kiến, trong dự thảo luật giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện. Nhưng để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra thì “cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về mô hình tổ chức Thanh tra huyện thì có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Ông Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban này tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hoà Bình, cho rằng cấp huyện là nơi có số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo cơ sở lớn. Nên cần có Thanh tra huyện để tham mưu cho UBND huyện giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở. Nhất là Thanh tra tỉnh không thể “bao phủ” hết việc giải quyết đơn thư từ cấp xã.

hv42164
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/rung-thu-tuc-trong-cap-gia-han-giay-phep-hanh-nghe-y-5687389.html Copylink