Bộ Công Thương cùng Lạng Sơn gỡ khó trong xuất nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 14/2/2020) của Chính phủ, trong đó có việc kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản, sáng 7/3/2020, đoàn công tác của Bộ Công Thương
Khi Bộ trưởng đến với doanh nghiệp Bộ Công Thương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp da - giày Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Lào Cai tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu |
Buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với UBND tỉnh Lạng Sơn sáng 7/3/2020 |
Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2020. Do vậy, kế hoạch sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công tác xây dựng nông thôn mới đảm bảo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện một số chỉ tiêu gặp khó khăn. Cụ thể như tổng số thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 706 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán). Lượng khách du lịch giảm mạnh, chỉ có 380,2 nghìn lượt, giảm 58,3% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo địa phương cho biết, từ ngày 5/2/2020 đến nay, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thông quan được 7.048 xe trong đó xuất khẩu 3.369 xe, nhập khẩu 3.679 xe. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến hết ngày 29/2/2020 đạt 360 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 210 triệu USD. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, theo đó tháng 1 giảm 40%, tháng 2 giảm 60%. Hiện tại 3 cửa khẩu đã được cho phép mở cửa nhưng đến nay Lạng Sơn còn tồn 526 xe chở nông sản chưa được thông quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc |
UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho phép thực hiện thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ còn lại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sau khi phía Trung Quốc mở cửa chính thức. Đồng thời do phía Trung Quốc thiếu hụt lao động bốc xếp hàng hóa nên đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế cho phép thực hiện một số phương án đưa lao động Việt Nam qua biên giới bốc xếp hàng hóa trên cơ sở bảo đảm kiểm dịch y tế. Cùng đó trên cơ sở theo dõi tình hình dịch bệnh và các biện pháp thương mại của Trung Quốc để có chỉ đạo khuyến cáo các chủ thể có hoạt động xuất khẩu với Trung Quốc chủ động có giải pháp xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, nhất là hàng nông sản qua các cửa khẩu đường bộ.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phát biểu ý kiến |
Sau khi nghe lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi làm rõ thêm các nội dung liên quan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nghiêm túc đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp.
Trước thông tin Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 thứ 17, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong bối cảnh dù Trung Quốc đã dần kiểm soát dịch bệnh nhưng số lượng ca nhiễm bên ngoài quốc gia này lại tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam, gây áp lực lên kinh tế toàn cầu.
Hơn bao giờ hết trong nước không được chủ quan, nhưng cũng không nên bi quan, nhụt chí bởi Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục dự báo các kịch bản dịch bệnh theo nhiều cấp độ trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó đưa ra quyết sách, giải pháp ứng phó phù hợp. “Càng khó khăn, càng cần phải vào cuộc quyết liệt”- Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, trong đó yêu cầu đầu tiên là đảm bảo tính mạng sức khỏe của người dân, luôn chuẩn bị sẵn sàng với mọi tình huống, diễn biến mới của dịch bệnh, trong đó có tính toán đến cả đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
“Có thể nói Lạng Sơn đã đi đúng đường, tìm đúng hướng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét. Lãnh đạo tỉnh đã chủ động có các tính toán cả trong ngắn hạn và dài hạn, đưa ra các giải pháp bền vững cũng như duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phía bạn, từ đó đã đáp ứng được các yêu cầu của việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu. Điều này, theo Bộ trưởng là rất cần thiết do hoạt động xuất nhập khẩu của Lạng Sơn không chỉ có ý nghĩa với kinh tế của tỉnh mà còn ý nghĩa với cả nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thị sát tình hình phòng chống dịch, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ các yêu cầu của Trung ương và Chính phủ về phòng chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo đảm yêu cầu sức khỏe nhân dân. Cùng đó Bộ Công Thương chia sẻ và ủng hộ các kiến nghị của tỉnh, đồng thời sẽ phối hợp cùng các bộ chức năng để giải quyết các đề xuất của tỉnh trong việc phát triển xuất nhập khẩu nhất là sau khi dịch bệnh được khống chế. Lạng Sơn cần chủ động phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và phát triển hệ thống logistics và hệ thống phân phối.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý Trung Quốc cũng bắt đầu cho thấy có nhu cầu cao trong khôi phục nền kinh tế thông qua nhập khẩu một số mặt hàng trong nước còn thiếu, đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu.
Trước đó Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi thị sát tình hình phòng chống dịch Covid-19 và tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị.