Bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Chiều 5/11, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo thường kỳ Quý IV/2021. Theo Bộ Nội vụ, kết quả sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Tinh gọn bộ máy
Tính đến thời điểm 31/6/2021, cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh là 1173 sở, giảm 7 sở so với thời điểm 30/6/2017. Tổ chức thuộc sở là 7215 phòng, giảm 1440 phòng so với thời điểm 30/6/2017. Chi cục thuộc sở là 907, giảm 208 chi cục so với thời điểm 30/6/2017. Cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện là 8490 phòng, giảm 451 phòng so với thời điểm 30/6/2017.
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, kết quả sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Theo ông Minh, mục tiêu là giảm chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Việc bố trí lại con người là việc khó và “động chạm” nhưng Bộ và các địa phương rất quyết tâm nên bước đầu đạt được kết quả nói trên.
Trả lời về Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, đây là vấn đề Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Tới đây Thủ tướng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo. Ông Nam cho biết, lần này quy trình khác so với các nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ trước các Bộ, ngành xây dựng sau đó xin ý kiến Bộ Tư pháp, và Bộ Nội vụ thẩm định. Tuy nhiên lần này Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy bên trong.
“Hiện Vụ Tổ chức - Biên chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị các nội dung để báo cáo Ban Chỉ đạo, trong đó đưa ra các nguyên tắc trên cơ sở bám sát Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các quy định của Chính phủ. Vì vậy tới đây tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ đều rà soát chức năng nhiệm vụ và xây dựng các phương án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Khả năng thu gọn ở mức độ nào đều trên cơ sở các tiêu chí chúng tôi đã tổng hợp”- ông Nam cho biết.
Liên quan đến việc cơ cấu tổ chức mô hình Tổng cục bên trong Bộ, ông Nam cho hay, đối với ngành, lĩnh vực nào cần tập trung thống nhất thì vẫn duy trì Tổng cục. Còn ngành, lĩnh vực nào chức năng nhiệm vụ đã phân cấp cơ bản về địa phương thì sẽ tổ chức lại mô hình Tổng cục cấp Trung ương để làm sao giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy.
Không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Đáng chú ý theo ông Vũ Đăng Minh, trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức.
Cụ thể, điểm mới là, Bộ Nội vụ đề nghị không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Bên cạnh đó, trường hợp trong tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có sự thay đổi về trình độ đào tạo dẫn đến thay đổi về việc xếp lương, thì đề nghị bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu hướng dẫn cách chuyển xếp lương từ ngạch, chức danh cũ sang ngạch chức danh mới tương ứng bảo đảm nguyên tắc khi chuyển không kết hợp với nâng ngạch, thăng hạng và tính ổn định phù hợp với thực tiễn khi tổ chức thực hiện.
Ông Minh cũng thông tin: Nghị định này cũng bỏ quy định về việc học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là điều kiện được học các chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề…
Liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Minh cho biết: Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136 về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Theo đó, Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, 34 tỉnh, thành thuộc phạm vi Đề án giải quyết vướng mắc trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời gian chờ địa phương thực hiện việc tuyển dụng, bố trí công tác thì các đội viên tiếp tục được ký hợp đồng lao động để làm việc tại nơi đang công tác đến khi địa phương thực hiện việc tuyển dụng, bố trí làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc làm công chức, viên chức.
“Đây là vấn đề Bộ đang đôn đốc các địa phương để xem xét xây dựng phương án tuyển dụng, bố trí. Vì nhiều bạn trẻ đang rất băn khoăn, lo lắng. Lúc đi các em 22 tuổi. Sau 7 năm là gần 30 tuổi. Nhiều trí thức trẻ là nữ còn chưa dám lập gia đình vì còn chờ bố trí việc làm ”- ông Minh nói.
Thông tin thêm, ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho hay, việc thực hiện Đề án là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Hiện chúng ta đã có một thế hệ trẻ cán bộ đảm bảo về phẩm chất, trí tuệ, đạo đức.
“Trong 500 trí thức trẻ, đến nay đã bố trí việc làm cho 67 em, còn 385 em có nguyện vọng nhưng chưa được bố trí việc làm, và 48 em không có nguyện vọng được bố trí. Do đó Bộ đang phối hợp với 34 địa phương để giải quyết chế độ chính sách cho các em, đảm bảo hoàn thành việc bố trí trước ngày 31/12/2025” - ông Long cho biết.