Cần có hành lang pháp lý để minh bạch hoạt động từ thiện, nhân đạo
Đại biểu kiến nghị cần có hành lang pháp lý rõ ràng để công tác nhân đạo-từ thiện được minh bạch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ngày 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, trong đó có công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngành trong khối tư pháp, phối hợp của cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa với tấn công, trấn áp tội phạm, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước; điều tra xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy, vụ án phát sinh mới liên quan đền các nhóm xã hội đen, phòng chống dịch...
Đặc biệt là các ngành tư pháp, nhất là Công an đã điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận hiện nay một cách công tâm, khách quan, không bỏ lọt tội phạm; chất lượng điều tra, phá án ngày càng được nâng lên mang tính chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua rất ấn tượng nhưng hạn chế, bất cập vẫn còn trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời tập trung phân tích làm rõ, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm giải quyết một số vẫn đề còn tồn tại.
Cảnh báo gia tăng tội phạm sau giãn cách xã hội
Trong đề xuất một số vấn đề Chính phủ cần quan tâm giải quyết trong năm 2022 ở lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật để thượng tôn pháp luật.
Theo đại biểu, thời gian qua, giáo dục ý thức, thượng tôn pháp luật cũng đã được quan tâm nhưng có nơi, có lúc chưa được thường xuyên.
Nhân dân còn chưa hiểu các quy định của pháp luật nên có trường hợp vi phạm không biết mình có tội. Do đó, việc giáo dục pháp luật tới cộng đồng dân cư, trong đó có thanh thiếu niên, rất quan trọng để hạn chế xảy ra vụ án gây rối trật tự công đồng, hiếp dâm trẻ em, chống người thi hành công vụ, làm lây lan dịch bệnh...
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cần chấn chỉnh, làm rõ việc đấu tranh với các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hoạt động chỉ định thầu, đấu giá trang thiết bị y tế..., các vụ việc gây bức xúc dư luận như hoạt động quyên góp từ thiện của các nhóm nghệ sỹ.
Trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, cần chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Đặc biệt, khi trở lại trạng thái bình thường mới, sẽ phát sinh nhiều loại tội phạm, nên cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) lưu ý tội phạm ma túy đang có dấu hiệu gia tăng, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu đề nghị lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng cần chủ động ngăn chặn nguồn cung ma túy từ các đường hàng không, biên giới; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, đến từng khu dân cư, xóm bản.
Lực lượng chức năng có biện pháp cụ thể, căn cơ ở cộng đồng để công tác cai nghiện đạt hiệu quả; có cơ chế khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp để tạo việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện.
Xung quanh công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng những năm gần đây, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất thực hiện chủ trương chống tham nhũng, xem đây là "giặc nội xâm", thể hiện qua việc ban hành khá nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Từ đó tình trạng tham nhũng được kiềm chế và từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nước ta trên thế giới.
“Chúng tôi xin chia sẻ, đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của cuộc đấu tranh cam go này và cũng thống nhất với 8 nội dung nhiệm vụ, định hướng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Văn Thuận nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu, tham nhũng vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, như trong sử dụng ngân sách, quản lý tài sản công, đầu tư công, hoạt động đấu thầu, đấu giá, đặc biệt là công tác chỉ định thầu mua sắm trang thiết bị.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường trách nhiệm trong giám sát, thanh tra, đồng thời công khai, minh bạch và kiên quyết xử lý các vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ.
Đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Đề cập tới tình hình tội phạm gây rối trật tự công cộng trong năm 2021 tăng 18,3%, tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng 20,8%, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị cơ quan chức năng làm rõ có bao nhiêu vụ gây rối trật tự công cộng, bao nhiêu vụ chống người thi hành công vụ, lý do tại sao tăng đột biến như vậy.
Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, hoạt động kêu gọi từ thiện trong phòng, chống thiên tai vừa qua đã xảy ra việc tranh chấp, chia phe nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp, vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, làm rõ để trả lời cho công luận, cho cử tri là ai đúng, ai sai.
Từ đó có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị “Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không thể để diễn ra dai dẳng như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”.
Giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, song chưa bền vững
Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ghi nhận các ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu cùng nội dung báo cáo về cơ bản đã phản ánh đầy đủ hoạt động của tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác của các lực lượng chức năng.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, cải tiến, đổi mới việc xây dựng báo cáo theo hướng đầy đủ, khách quan và toàn diện hơn, báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp năm tới.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết từ đầu năm đến nay, nhất là từ khi bắt đầu bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đất nước phải đối diện với áp lực lớn về mọi mặt, sức khỏe, tính mạng của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương bị giảm sút hoặc đình trệ.
Hiện, cả nước chuyển sang trạng thái mới, triển khai thực hiện nhiều biện pháp với những sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, quyết tâm để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vì thế cũng chuyển sang một trạng thái mới. So với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân của việc này chủ yếu là do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm.
Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng Internet, các hành vi lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch để trục lợi.
“Những tội phạm gia tăng này chúng tôi sơ bộ đánh giá cũng có tác động rất nhiều do những nguyên nhân ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chúng ta phải triển khai các biện pháp”, Bộ trưởng đánh giá.
Về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến xử lý, giải quyết một số vụ án cụ thể, một số diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật như tội phạm giết người, tội phạm gây rối trật tự công cộng, tội phạm liên quan đến môi trường cát, đá, sỏi, tội phạm trên không gian mạng...
Một số vấn đề về hoàn thiện pháp luật như cần có Nghị định về thi hành án tử hình, việc ghi âm, ghi hình trong khi tổ chức điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai.
Trước cảnh báo của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng tội phạm gia tăng trong và sau giãn cách xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã cùng với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, không để bị động bất ngờ, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; đảm bảo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ.
Qua đó, tội phạm tiếp tục được kéo giảm, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, đã làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận; chủ động phòng, ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Theo TTXVN