Chuyển đổi số thành công sẽ biến "không thể thành có thể"
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29.3, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thời gian tới, thực hiện đột phá, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số sẽ giúp nước ta biến những điều không thể thành có thể.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29.3, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thời gian tới, thực hiện đột phá, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số sẽ giúp nước ta biến những điều không thể thành có thể.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết ông đồng tình và đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cho rằng nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ rất thành công trên tất cả các phương diện.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thành công này của Chính phủ tiền nhiệm đặt ra thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới, bởi vì chúng ta không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính.
Do vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thì không phải là tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục mà phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế, đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin.
Cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện. Phương thức quản lý này chỉ được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý.
“Đây là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng trong quản lý thành công thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách, về thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành những điều có thể mang lại, những nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước ta”- ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa các doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh hoặc phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ tạo đột phá về thể chế trong quản lý.
Ông cho rằng, nếu chuyển đổi số thành công với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam không chỉ là "cái bếp của thế giới" như lời khuyên của Giáo sư Philip Kotler - Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến trong buổi giảng Nghị quyết sáng 28.3 - mà có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử, tin học của cả thế giới.
“Các nhân viên văn phòng ở nhiều nước trên thế giới có thể chuyển đến Việt Nam vừa tắm biển, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản của Việt Nam, vừa thực hiện các công việc văn phòng trong môi trường kinh tế số ", ông Cường nói.