Monday, Mar 20, 06:03 AM

Covid-19: Cần tuân thủ gì khi phải cách ly tại nhà?

Mục đích của việc cách ly là để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh ngay từ lúc mới xuất hiện, hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh.

Covid-19: Cần tuân thủ gì khi phải cách ly tại nhà?
Covid-19: Cần tuân thủ gì khi phải cách ly tại nhà?
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), người cách ly được yêu cầu cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, từ ngày tiếp xúc cuối cùng với ca nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, từ ngày rời khỏi nơi có trường hợp bệnh. Nếu người nghi nhiễm Covid-19 được chẩn đoán không mắc bệnh thì những người cách ly do tiếp xúc gần với người này sẽ kết thúc việc cách ly.

Không rời khỏi nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc người khác

Trong thời gian cách ly ở nhà, nơi lưu trú, người được cách ly phải chấp hành những yêu cầu sau:
Ở nhà, không đi ra ngoài trong suốt thời gian cách ly tại nhà. Nếu vi phạm, người cách ly bắt buộc phải vào khu cách ly tập trung.
Khi cách ly tại nhà thì ở trong phòng riêng thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người khác trong gia đình, cần tiếp xúc phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m. Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Không ăn uống chung với các thành viên khác trong gia đình. Sử dụng riêng các dụng cụ ăn uống. Tự thu gom riêng khẩu trang, khăn giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng cho vào 1 túi đựng rác thải riêng để trong phòng cách ly. Nếu trong thời gian cách ly, có xuất hiện triệu chứng, túi này sẽ được nhân viên y tế xử lý theo quy định của rác y tế. Nếu hết thời gian cách ly mà không có triệu chứng sẽ xử lý như rác thải thông thường.
Người cách ly ở nhà tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Đo nhiệt độ 2 lần mỗi ngày để xem mình có sốt (trên 37,50C) hay không. Theo dõi phát hiện các triệu chứng: ho, khó thở và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi phát hiện một trong các triệu chứng trên.
Hằng ngày, nhân viên trạm y tế địa bàn sẽ liên hệ với người cách ly 2 lần, trong đó ít nhất 1 lần sẽ đến gặp tại nhà để ghi nhận tình trạng sức khỏe. Nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, người cách ly liên hệ ngay với nhân viên y tế phụ trách qua số điện thoại đã được cung cấp để được hỗ trợ.
Người sống chung với người được cách ly tại nhà cần bố trí cho người được cách ly trong phòng riêng hoặc phải đảm bảo khoảng cách 2 m với giường ngủ của các thành viên khác. Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly. Khi cần tiếp xúc phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m. Hằng ngày lau nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường. Giúp đỡ, động viên người được cách ly, không tổ chức các hoạt động đông người tại nhà, nơi lưu trú. Thông báo ngay cho nhân viên y tế khi người cách ly có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

Địa phương giám sát, y tế kiểm tra hằng ngày

Theo bác sĩ Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế Q.11 (TP.HCM), với người cách ly y tế tại nhà, nhân viên của trạm y tế đến kiểm tra hằng ngày 2 lần. Việc quản lý người bị cách ly tại nhà giao cho chính quyền địa phương ở phường, tổ dân phố, khu phố, công an khu vực giám sát. Nếu người bị cách ly y tế tại nhà không tuân thủ các quy định, như đi ra ngoài, thì phường sẽ đề xuất đưa đi cách ly tập trung. Hiện Q.11 có 3 ca cách ly tập trung (1 ca trong chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân N.H.N nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam); 3 ca cách ly y tế tại nhà; 13 ca tự theo dõi sức khỏe.
Cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân cách ly tại Trúc Bạch, Hà Nội Ảnh: Gia Hân

Cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân cách ly tại Trúc Bạch, Hà Nội

Ảnh: Gia Hân

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND P.Cầu Kho (Q.1, TP.HCM), cho biết phường có 2 trường hợp trong cùng gia đình đang được cách ly tập trung đều cho kết quả âm tính Covid-19. Theo quy định, gia đình này phải tự cách ly tại nhà 14 ngày. Mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều, nhân viên y tế của phường đến đo thân nhiệt, hỏi thăm các triệu chứng của các thành viên trong gia đình. UBND P.Cầu Kho cũng làm giấy xác nhận cách ly tại nhà để người dân thông báo đến nơi làm việc.
Việc đi chợ, mua đồ dùng cá nhân hằng ngày được phường hỗ trợ người đi mua theo nhu cầu. Người dân tự cách ly tại nhà cũng có thể đặt hàng online, khi nhân viên giao hàng tới thì phường có người chuyển đồ vào.
Ông Linh cho rằng ý thức chấp hành quy định chung vì an toàn của cộng đồng là điều quan trọng trong lúc này, gia đình cũng đã đồng ý ký vào biên bản tự cách ly tại nhà. Các hoạt động hỗ trợ của phường đều diễn ra bình thường. Phường cũng không cắt cử người canh gác trước cổng nhà để gia đình không bị hàng xóm dị nghị. “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ hết mức để các thành viên trong gia đình cảm thấy thoải mái, cùng hợp tác với phường trong thời gian cách ly theo quy định”, ông Linh nói.
Cũng tại Q.1, có 16 nhân viên một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân (P.Bến Thành) được đưa vào diện tự cách ly tại nhà, do tiếp xúc nhóm du khách có người đi chung máy bay với bệnh nhân thứ 17. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Triều, Chủ tịch UBND P.Bến Thành, cho biết 16 nhân viên này sinh sống tại nhiều nơi khác nhau nên phường thông báo đến chính quyền địa phương nơi các nhân viên này đang cư trú để theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, phường cũng giám sát việc cách ly tại nơi cư trú của các nhân viên, thường xuyên kiểm tra khách sạn về việc thực hiện các hướng dẫn phòng chống dịch.

Lo lắng nhưng vẫn tuân thủ tuyệt đối

Đó là tâm trạng của hầu hết người phải cách ly y tế tại nhà.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị N.T.N (31 tuổi, ở P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị thuộc diện cách ly vì có chồng tham dự cuộc họp với một bệnh nhân nhiễm Covid-19.
“Chồng em ngồi ở phía xa vị trí người này, hiện đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang tự cách ly tại nhà. Hai vợ chồng em được bên y tế yêu cầu nằm cách ly mỗi người một phòng riêng. Việc em có phải lấy mẫu xét nghiệm hay không còn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm mẫu của chồng em. Hai vợ chồng bây giờ ở chung trong nhà nhưng chỉ nói chuyện qua điện thoại, hoặc các phần mềm nhắn tin. Còn cháu nhỏ thì ở tầng dưới với ông bà. Bọn em nhớ con mà không dám gần”, chị N.T.N kể. Về tình trạng sức khỏe, chị N.T.N cho biết cả gia đình vẫn đang khỏe mạnh bình thường, tinh thần tốt. Cơ quan y tế cũng đã thực hiện phun thuốc khử trùng khu vực chị N.T.N sinh sống.
Chị N.T.H (43 tuổi, ở Q.Long Biên, Hà Nội) cũng thuộc diện cách ly tại nhà do có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chị cho biết đã chủ động báo với y tế của địa phương sáng 8.3. Đến 15 giờ cùng ngày, có người đến lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, lấy bản khai dịch tễ. Theo chị N.T.H, gia đình chị có 4 người, đều đã tự cách ly, chị ở phòng riêng. Trong thời gian tự cách ly ở nhà, chị vẫn tiếp tục xử lý các công việc của cơ quan.
Trường hợp khác cũng thuộc diện cách ly tại nhà là chị V.T.H (31 tuổi, ở P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, do phải cách ly nên sinh hoạt của chị chủ yếu diễn ra trong 4 bức tường. “Bình thường, sáng dậy đi tập thể dục, đi chợ sớm xong đi làm, bận rộn biết bao. Giờ thì ở trong nhà, thực phẩm thì gọi online, các sinh hoạt thường ngày đều ngừng trệ cả, thấy thèm được bận rộn lắm, mong sao dịch bệnh qua nhanh”, chị V.T.H bày tỏ.
Anh N.Q.H (37 tuổi, ở P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy) cho hay 8.3 vừa là ngày Quốc tế Phụ nữ, vừa là kỷ niệm 10 năm ngày cưới của 2 vợ chồng. “Vợ tôi đã chuẩn bị chu đáo, đặt tiệc ở nhà hàng và vé đi chơi, lẽ ra bay vào sáng sớm 8.3, nhưng vì cách ly nên phải hủy, mất gần chục triệu tiền đặt cọc”, anh H. chia sẻ. Anh được vợ chuẩn bị cho một phòng riêng, chỉ sinh hoạt trong phòng. Đến bữa vợ mang cơm tận nơi.
“Nằm nghe nhạc, xem phim, chơi game mãi cũng chán, chán thì lại ngủ. Chỉ mong nhanh hết thời hạn cách ly, để được đi làm, ra ngoài như bình thường”, anh H. chia sẻ, và cho hay tuy buồn chán, nhưng việc tự cách ly như vậy giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân gia đình anh cũng như cộng đồng, nên anh hoàn toàn tự giác.
Liên Châu 
duy-t192nh
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/thoi-su/can-tuan-thu-gi-khi-phai-cach-ly-tai-nha-1192911.html Copylink