Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực
Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà Nẵng , tạo động lực cho phát triển.
Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP.Đà Nẵng diễn ra vào sáng 29.3.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, theo Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics…
Để đạt được những mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 – tầm nhìn 2045 đã được được lập, phản biện và thẩm định một cách kỹ lưỡng, công phu, khoa học và toàn diện.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, xen kẽ với các khu vực “rỗng” dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.
Để Đà Nẵng thực hiện được những mục tiêu chiến lược này, cùng với việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường kết nối vùng, liên vùng, và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững.
"Thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm.
Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội; cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội..." - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.