Dành 6 ngày xem xét, quyết định công tác nhân sự
Chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến làm việc trong 11 ngày; khai mạc ngày 20/7 và bế mạc ngày 3/8.
Tại kỳ họp, sau khi Tổng Bí thư phát biểu, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Quốc hội dự kiến sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định công tác nhân sự. Qua đó, Quốc hội sẽ quyết định số Phó chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Sau đó, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa mới sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề…
Cơ cấu nhân sự hợp lý
Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Tổng thư ký Bùi Văn Cường cho biết, chương trình kỳ họp được xây dựng chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định. Công tác điều hành khoa học, linh hoạt, bảo đảm liên tục, ổn định, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần tạo được sự đồng thuận cao trong việc quyết định các nội dung kỳ họp.
Tại kỳ họp 11, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận cao.
“Các nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn có cơ cấu hợp lý, là những người có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều vị trí công tác, có tư duy đổi mới; đồng thời, bảo đảm sự kế thừa, ổn định và phát triển”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Cường, việc tổ chức kỳ họp thứ 11 vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm. Trong đó, việc bố trí thời gian thực hiện công tác nhân sự có nội dung chưa thực sự hợp lý, cần nghiên cứu cách thức bố trí sắp xếp, điều chỉnh chương trình phù hợp hơn để sử dụng hiệu quả thời gian làm việc.