Friday, Nov 21, 06:11 AM

Giám sát phải đến tận cùng vấn đề

Ngày 4/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đề cập nhiều đến “trách nhiệm trong giám sát”.

Giám sát phải đến tận cùng vấn đề
Giám sát phải đến tận cùng vấn đề
gi225m-s225t-phai-den-tan-c249ng-van-de_1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh: D.Tấn.

Các địa phương phải nói thẳng, nói thật

Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 gồm 4 chuyên đề.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Liên quan đến chuyên đề giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Đến nay còn 979 vụ việc đang được các địa phương giải quyết. Trong đó có 35 vụ việc xác định phức tạp kéo dài đã được tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Ông Liêm đề xuất, trong quá trình thực hiện giám sát tại các địa phương, đoàn giám sát cần có sự phối hợp ngay từ đầu của đoàn ĐBQH và HĐND các cấp đối với các vụ việc cụ thể.

“Các địa phương đã làm và có số liệu cụ thể nhưng khi trực tiếp giải quyết, các đoàn ĐBQH và HĐND tại các địa phương vào cuộc cùng với UBND các tỉnh xem xét rà soát ngay từ đầu thì giám sát, rà soát sẽ có hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, cần giám sát các vụ việc mà Chính phủ đã kiểm tra rà soát đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp để giải quyết dứt điểm” - ông Liêm nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng: Trong những năm qua MTTQ Việt Nam xác định phối hợp với Quốc hội, HĐND các cấp, các đoàn ĐBQH trong giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, là dịp để phản ánh ý kiến nguyện vọng của cử tri.

Vì thế 4 chuyên đề giám sát trên rất trúng vấn đề xã hội quan tâm hiện nay. Làm tốt những nội dung này sẽ tạo sự chuyển biến tiếp theo trong sự đổi mới của đất nước.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực kiến nghị: Trong giám sát, cần lắng nghe nhiều kênh, đa chiều để có những nhận xét, đánh giá ưu điểm, hạn chế sát với thực tế. Do đó kênh báo cáo từ các đoàn ĐBQH từ 63 tỉnh, thành thì phải trung thực. Các đoàn ĐBQH phải chịu trách nhiệm về nội dung này.

“Hàng năm các địa phương đều có báo cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng “không dám nói thẳng”. Do đó lần này phải yêu cầu nội dung sát thực tế, trung thực thì mới đánh giá đúng đã làm được đến đâu? Cái nào chưa làm được? và kiến nghị để có tác dụng tạo sự chuyển biến tích cực. Vì vậy trong báo cáo, các địa phương phải dám nói thẳng nói thật” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói và kiến nghị, trong những trường hợp đặc biệt phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng thì giám sát sẽ có tác dụng và tạo sự lan tỏa lớn.  

Theo tận cùng các vấn đề được giám sát

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, muốn giám sát hiệu quả phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng các vấn đề được giám sát, có phương pháp giám sát từ tổng thể đến chi tiết, huy động tổng lực các cơ quan chức năng.

“Giám sát phải có bằng chứng cụ thể, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và phải theo dõi việc tổ chức thực hiện các giám sát này, phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Như thế mới hy vọng tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực được giám sát”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là chuyên đề rất rộng, phạm vi giám sát từ sử dụng đất đai, tài nguyên đến biên chế tổ chức. Vấn đề này hàng năm Kiểm toán Nhà nước đều có làm và lần này, giao cho Kiểm toán Nhà nước tổng kết đánh giá 5 năm và bố trí thêm chuyên đề kiểm toán năm 2022 về nội dung trên.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thất thoát trong lãng phí đôi khi lớn hơn cả tham nhũng. Năm nay Quốc hội yêu cầu phải kiểm toán nguồn lực cho chống dịch, qua đó làm rõ vấn đề dư luận quan tâm. Qua giám sát, nếu phát hiện sai phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh và có cách để giám sát những người đi giám sát, làm đến nơi đến chốn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, trách nhiệm giám sát đầu tiên, trước hết là của các đoàn, do đó các trưởng đoàn và thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám sát và quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan khi thực hiện giám sát. Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học...

Tôn trọng, không gây sách nhiễu, phiền hà cho các đối tượng giám sát, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được giám sát.

“Các thành viên cũng như trưởng, phó đoàn giám sát phải dám nói thẳng nói thật. Tránh tình trạng phát hiện từ cơ sở là bằng “con voi” nhưng dần dần bị “gọt giũa”. Lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì để bàn. Tinh thần giám sát là hết sức xây dựng, phát huy được mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, sai phạm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đồng thời đề nghị các đoàn giám sát phải dựa vào MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên để thực hiện tốt công tác giám sát. Biến “tai mắt” của nhân dân thành hàng triệu ngọn đèn pha để soi rọi, không còn chỗ ẩn nấp cho tiêu cực, lãng phí, quan liêu và tham nhũng. 

hv31884
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/giam-sat-phai-den-tan-cung-van-de-5671500.html Copylink