Hàng loạt Thông tư mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2021
Thêm 8 trường hợp khám và chữa bệnh BHYT đúng tuyến, đồng loạt tăng lương cho giáo viên các cấp, 1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi...là những thông tư nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 3/2021.
8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến
Nội dung này được nhắc đến tại Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Theo đó, tại Điều 6 Thông tư này, các trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến gồm:
- Đến khám, chữ haia bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.
- Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.
- Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.
- Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
Thông tư 30/2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2021.
1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi
Căn cứ khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu trước tuổi nhưng không quá 05 năm.
Theo đó, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/ TT-BLĐTBXH gồm 1838 nghề, công việc. Cụ thể có các lĩnh vực như:
- Khai thác khoáng sản.
- Cơ khí luyện kim.
- Xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi.
- Thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
Giáo viên không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Nội dung nổi bật này được đề cập trong các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.
Theo các Thông tư này, trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên chỉ yêu cầu:
Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
Trước đây, theo các quy định cũ, yêu cầu với giáo viên như sau:
- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
- Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Như vậy, từ ngày 04 Thông tư này có hiệu lực, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.
Từ 20/3/2021 - ngày các Thông tư trên có hiệu lực, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:
- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).
- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).
- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).
Đồng loạt tăng lương cho giáo viên các cấp từ 20/3
Theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, xếp lương của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chính thức có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 sẽ thay đổi về cách xếp lương theo hướng tăng lương cho giáo viên.
Theo đó, lương của giáo viên các cấp sẽ được xếp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng. Ngoài giáo viên cấp trung học phổ thông thì giáo viên các cấp: trung học cơ sở, tiểu học và mầm non sắp tới đây đều được hưởng hệ số lương cao hơn hiện nay.
- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).
- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).
- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).
Giáo viên mầm non, tiểu học không còn hạng IV
Thông tư này cũng nêu rõ giáo viên mầm non, tiểu học sẽ không còn hạng IV. Đồng thời bổ sung thêm hạng I với các yêu cầu cao hơn về trình độ, chuyên môn... cho hai đối tượng này.
Đối với giáo viên mầm non hạng IV nếu đạt chuẩn thì bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III. Nếu không đạt chuẩn thì áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ 1,86 - 4,06 cho đến khi đạt trình độ chuẩn sẽ bổ nhiệm vào hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng nâng chuẩn trình độ.