Khi Bộ trưởng đến với doanh nghiệp
“Đoàn công tác của Bộ Công Thương đến đây không chỉ bàn về các tác động của dịch bệnh mà còn cùng doanh nghiệp bàn cách khai thác tối đa các cơ hội phát triển trong thời gian tới”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại các buổi
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Hóa dệt Hà Tây |
Không bi quan, chủ động duy trì sản xuất
Nhằm nắm bắt cụ thể, sát thực hơn nữa tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như tìm hiểu thực tế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai từ khi dịch bệnh bùng phát, chiều ngày 5/3/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây và Tổng Công ty May 10.
Mặc dù đây là hai doanh nghiệp có quy mô khác nhau, đặc biệt nếu xét về số lượng lao động (Công ty Hóa dệt Hà Tây có khoảng 600 lao động trong khi May 10 là trên 12.000 lao động) song cả hai đều có điểm chung là đều bị ảnh hưởng của nguồn cung nguyên liệu về chậm. Điều này khiến doanh nghiệp có thể phải giãn sản xuất trong tháng 3 hoặc tháng 4, khả năng xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm của Hóa dệt Hà Tây có thể bị ảnh hưởng. Doanh thu của Công ty ước tính giảm 20 – 30% trong tháng 2 và 3/2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Hóa dệt Hà Tây |
Còn với May 10 đã định lượng rõ các mức độ giảm, theo đó ngay trong quý I doanh thu gia công giảm 25% trong khi tổng doanh thu giảm 10%. Cùng đó dự kiến doanh thu cả năm giảm 7% nếu dịch được khống chế trong tháng 4/2020. Doanh thu nội địa vốn góp 10% vào tổng doanh thu của Tổng công ty cũng chứng kiến mức giảm trầm trọng trong 2 tháng đầu năm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tìm hiểu về nguyên vật liệu sản xuất của Công ty |
Tuy nhiên ghi nhận tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ Công Thương cho thấy không có tâm lý bi quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở một mức độ nhất định doanh nghiệp vẫn giữ được thế chủ động, bình tĩnh tìm phương cách đối phó. Mặc dù có thể phải chấp nhận giãn tiến độ sản xuất, giãn thời gian giao hàng, chấp nhận bán lỗ để giữ khách nhưng cả Tổng công ty May 10 và Công ty Hóa dệt Hà Tây một mặt tập trung duy trì sản xuất, một mặt ổn định tâm lý người lao động, chăm lo sức khỏe, phúc lợi của đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch do đặc thù của hai doanh nghiệp là có sự cạnh tranh khốc liệt về lao động. Điều đáng mừng là cả hai doanh nghiệp về cơ bản vẫn duy trì được ổn định số lượng lao động về sức khỏe và gắn bó với doanh nghiệp.
Với những động thái như hỗ trợ về nguồn vốn, giãn, giảm thuế, tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, đại diện Tổng công ty May 10 và Công ty Hóa dệt Hà Tây đều tin tưởng vào các giải pháp điều hành, gỡ khó cho doanh nghiệp của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Bộ trưởng tặng quà tập thể Công ty Hóa dệt Hà Tây |
Tại buổi việc của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác Bộ Công Thương, hai doanh nghiệp đều tỏ ý rất hy vọng vào việc Hiệp định EVFTA vừa được ký và dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2020 sẽ phát huy tác dụng tích cực tạo thêm động lực cho tăng trưởng. Là công ty có đến 80% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Anh và các nước EU, lãnh đạo Công ty Hóa dệt Hà Tây “bật mí” trong vòng 3 năm trở lại đây nhiều khách hàng cũ từ EU một mặt quay trở lại đặt hàng của Công ty. Điều đáng mừng là có những tín hiệu cho thấy lượng đặt hàng từ EU sẽ tăng lên do Công ty giữ được uy tín.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt vấn đề với lãnh đạo Công ty là với việc 60% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Anh thì nay với việc Anh rời khỏi EU liệu con số đó có bị ảnh hưởng hay không? Lãnh đạo Công ty cho biết việc tuy Anh đã rời khỏi EU song vẫn còn thời gian 2 năm chuyển tiếp để Anh tiếp tục thực hiện các cam kết.
Đoàn công tác Bộ Công THương làm việc tại Tổng công ty May 10 |
“Điều này cho thấy doanh nghiệp dù quy mô nhỏ song vẫn rất quan tâm, hiểu rất chắc về EVFTA và đây là tín hiệu đáng mừng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Còn lãnh đạo Tổng công ty May 10 chia sẻ, giữa những âu lo về tình hình sản xuất kinh doanh thì việc EVFTA sớm có hiệu lực chính là một tin mừng để tận dụng xuất xứ tại Việt Nam và xa hơn là gia tăng giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Thông điệp mạnh mẽ được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương khẳng định tại các chương trình làm việc với Công ty Hóa dệt Hà Tây và Tổng công ty May 10, theo đó đoàn đến với các doanh nghiệp không chỉ bàn về các tác động của dịch bệnh mà còn cùng doanh nghiệp bàn cách khai thác tối đa các cơ hội phát triển trong thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp dệt may, da giầy thời gian qua, đặc biệt khi doanh nghiệp không vì lý do dịch bệnh mà buông tay, vẫn duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn song song với công tác phòng chống dịch, bảo đảm công ăn việc làm đời sống cho người lao động.
“Chúng ta không thể đợi và cũng không thể để kéo dài tình trạng bất cập như hiện nay. Thực tế của doanh nghiệp cho thấy rất cần những giải pháp kịp thời, tổng thể để có thể sản xuất ổn định trở lại và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo Bộ trưởng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước mắt cần phải rất “trúng” bởi có vậy mới phát huy được tác dụng để “vực” doanh nghiệp, tạo được điểm tựa để doanh nghiệp đứng vững trước khó khăn. Chứ để một khi doanh nghiệp đã “ngấm” những khó khăn thì liều thuốc dẫu có mạnh cũng khó phát huy tác dụng.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc |
Trên tinh thần đó Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ sớm thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Không những vậy các vấn đề của doanh nghiệp nói chung và May 10, Hóa dệt Hà Tây nói riêng cũng sẽ được đặt lên bàn Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành Công Thương với các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp dự kiến được tổ chức tại 63 điểm cầu trong cả nước vào ngày 16/3/2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm dây chuyền sản xuất tại Tổng công ty May 10 ... và thảo luận các giải pháp ổn định sản xuất với lãnh đạo Tổng Công ty |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong mấy ngày tới Bộ trưởng sẽ có buổi điện đàm với Bộ trưởng Thương mại và người đứng đầu cơ quan Hải quan của Trung Quốc nhằm bảo đảm tương tác và tạo thuận lợi cho các ngành kinh tế lớn giữa hai nước trong đó có nguồn cung ứng cho da giày, dệt may.Bộ trưởng cũng gợi ý các doanh nghiệp bên cạnh quan tâm đến thị trường xuất khẩu cũng cần chú ý đến thị trường trong nước. “Có thể ít tiền hơn xuất khẩu song thị trường trong nước vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho doanh nghiệp”- Bộ trưởng nêu quan điểm. Cùng đó Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp không nên giữ tâm lý cứ dịch bệnh là phải giảm tăng trưởng mà phải có tâm thế để khi dịch bệnh qua đi phải phục hồi mạnh mẽ để bù cho tăng trưởng.
Có thể nói trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gồng mình vượt qua khó khăn để trụ vững trong sản xuất, chương trình làm việc của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã thể hiện sự quan tâm sát sao của Bộ Công Thương và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Cùng với đó những quan điểm mang tính thực tiễn cao, sát sườn với doanh nghiệp cùng những chia sẻ vĩ mô của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Công Thương thực sự đã tiếp lực để cùng doanh nghiệp bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội thời gian đến.