Tuesday, Nov 21, 05:11 PM

Lối đi nào cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong thời gian tới?

Hội thảo nhằm tìm ra những lợi thế của một vùng có vị trí chiến lược đặc biệt.

Lối đi nào cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong thời gian tới?
Lối đi nào cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong thời gian tới?

Hội thảo đã được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến và đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về phòng chống Covid-19. Dự hội thảo có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai – đơn vị đăng cai tổ chức, đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo tại đầu cầu tỉnh Lào Cai và 15 điểm cầu tại các địa phương trong vùng có các các diễn giả quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, Thường trực Tỉnh ủy các địa phương trong vùng và đại diện của một số bộ, ngành...

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước và đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái cho khu vực Bắc Bộ; là vùng nhiều tài nguyên thiên nhiên và có đường biên giới dài,... Theo báo cáo từ các địa phương, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị tăng trưởng GRDP của vùng qua các năm không ngừng được cải thiện, giai đoạn gần đây đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước và vượt mục tiêu đặt ra; Chất lượng tăng trưởng được cải thiện chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được hình thành và phát triển như cây ăn quả, trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước (sau vùng ĐBSCL); Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt trên 55% cao hơn 1,3 lần bình quân chung cả nước…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà vùng đã đạt được trong thời gian qua đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng. Ông Thắng nhấn mạnh, các địa phương trong vùng cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ. Trước hết, phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương để từ đó có quyết tâm thay đổi, có cách làm mới để thúc đẩy xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực - hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cần hướng tới một tầm nhìn phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.

loi-di-n224o-cho-v249ng-trung-du-v224-mien-n250i-bac-bo-trong-thoi-gian-toi_1.jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu định hướng hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Ông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung quan trọng sau: Thứ nhất, làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tổng thể vùng và của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong tổng thể quốc gia, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của địa phương trong tổng thể vùng, của vùng trong tổng thể quốc gia.

Thứ hai, làm sâu sắc kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian qua, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ ba, làm rõ hơn tính khách quan và xu hướng tất yếu liên kết phát triển vùng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới, nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu…

Thứ tư, phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng, để đề xuất vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy…

Cuối cùng, tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách và phối hợp giữa các địa phương đối với các mô hình liên kết điển hình của vùng, nhất là liên kết phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội gắn với các trục giao thông nội vùng; phát triển du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng gắn với mở rộng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến chế biến; phát triển các khu công nghiệp gắn với các hành lang kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo…

Cũng tại Hội thảo, các Bộ ngành và địa phương đã thống nhất cao việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết mới cho vùng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 để tạo động lực cho toàn vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh các địa phương trong thời gian tới.

mloan
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/loi-di-nao-cho-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-trong-thoi-gian-toi-5672615.html Copylink