“Ngạt thở” vì ô nhiễm ở làng tái chế nhựa phế thải lớn nhất Hà Nội
Vốn nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống, thế nhưng nhiều năm trở lại đây thôn Xà Cầu lại được biết đến với cái tên mới “làng thu gom và sơ chế rác thải”. Song song với sự phát triển kinh tế là vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa tới cuộc sống của người dân nơi đây.
Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có 6 thôn, mỗi thôn có một làng nghề phát triển kinh tế riêng. Trong đó, thôn Xà Cầu nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống. Thế nhưng giờ chỉ có vài ba hộ còn giữ nghề, 80% các hộ dân ở đây chuyển sang nghề thu gom và sơ chế chất thải nhựa
Với điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu rác thải luôn có sẵn từ thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận chuyển về, người dân nơi đây đã có một nghề mới đem lại thu nhập cao. Sau khi thu gom các phế liệu, người dân tổ chức phân loại phế liệu thành rác phế liệu và nguyên liệu để tái chế
Phế liệu chủ yếu là ống nhựa cấp thoát nước, vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nhựa các loại. Sau khi rửa sạch sẽ được đưa vào máy nghiền thành hạt nhựa
Những thành phần phế liệu còn lại không tái chế được chuyển thành rác như: Vỏ nhãn mác của các chai nhựa, đồ gia dụng, xốp… Trung bình mỗi ngày, thôn Xà Cầu phát sinh tới hàng tấn rác thải phế liệu loại này
Điều đáng nói hoạt động tái chế rác thải tại thôn Xà Cầu đang diễn ra một cách tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không được xây dựng theo một mô hình khoa học
Hầu hết các xưởng đều không có hệ thống xử lý chất thải và đồ dùng bảo hộ lao động
Mọi nguồn khí thải, nước thải đều được xả trực tiếp ra môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong làng
Dòng sông Bắc Quảng Hoa phân cách các thôn chịu ảnh hưởng nặng nề của chất thải từ sự thiếu ý thức của người dân
Đi từ đầu làng tới cuối làng nồng nặc một mùi khó chịu. Không có nơi tập kết rác thải, người dân chỉ còn cách gom phế liệu về chất đống trước lối ra vào, dọc bờ rào, thậm chí đưa vào tận sân, tận vườn
Anh Nguyễn Tiến Thi, người dân thôn Xà Cầu cho biết: "Bản thân tôi là người trong làng đã chứng kiến không ít người ra đi vì căn bệnh ung thư từ người trẻ tới người già. Mặc dù nghề làm phế liệu đang đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân, thế nhưng chúng tôi khao khát các cấp chính quyền vào cuộc để tháo gỡ khó khăn này. Một mặt vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, một mặt hạn chế tình trạng ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho người dân”
Là người làm nghề thu gom phế liệu được 10 năm nay, đêm nào anh Tập cũng cùng vợ lái xe ô tô vào nội thành Hà Nội khuân vác chất liệu nhựa về sơ chế. Tất cả mọi loại rác thải đều tập kết trong sân, anh Tập còn dựng cả máy nghiền rác tạo nên khu sơ chế trong sân nhà
Mặc dù biết nghề này ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng với anh Tập “Không làm nghề này cũng chẳng biết làm gì đem lại thu nhập khi diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Bản thân tôi cũng chỉ mong có điểm tập kết riêng để bà con có nơi kinh doanh riêng, phần nào giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm"
Trước thực tế này, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, xã cũng đã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu để họ chấp hành tốt các quy định về phân loại, xử lý rác thải; không đổ rác, đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, hộ gia đình vi phạm
Nói về phương pháp dài hạn giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Nhất cho biết: “Hiện tại TP. Hà Nội đang triển khai giai đoạn 2 xây dựng cụm công nghiệp Xà Cầu với diện tích 10ha để sớm di dời các hộ dân hoạt động sản xuất ngành nghề tái chế phế thải ra khỏi khu dân cư, để xử lý tập trung chất thải phát sinh”.
Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi những giải pháp xử lý mang tính triệt để của chính quyền các cấp thì hàng nghìn người dân ở xã Quảng Phú Cầu vẫn đang vật lộn, chống chọi với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng