Nhận Bảo hiểm xã hội một lần: Được trước mắt, thiệt lâu dài
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về...
Cắt giảm chi phí quản lý quỹ
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, doanh nghiệp (DN) và người sử dụng lao động chân chính phần lớn tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật để không chỉ tồn tại lâu dài, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, coi người lao động là tài sản của DN. Do đó quy định làm sao để tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động giảm thiểu mức chi phí trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
Bà Hiền dẫn chứng: Báo cáo của Chính phủ cho thấy các quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm cân đối. Như quỹ ốm đau thai sản năm 2019 kết dư 12,97 ngàn tỷ đồng, 2020 kết dư 13,47 ngàn tỷ đồng; Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư năm 2019 là 47,87 ngàn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 54 ngàn tỷ đồng; tương tự Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kết dư 2 năm là 85,5 ngàn tỷ đồng và 90,59 ngàn tỷ đồng. Từ đó bà Hiền đề nghị cần sửa đổi để đảm bảo linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng khi ốm đau và người thai sản, hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo điều kiện cho DN phục hồi kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nguồn chi phí thực hiện quản lý Quỹ BHXH hàng năm được trích từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư, và định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý Quỹ BHXH. Năm 2020, chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHTN đang được thực hiện theo Nghị quyết 528 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giai đoạn 2019-2021, do đó chi phí quản lý Quỹ BHXH và BHTN giảm dần. Năm 2019 là 2,15% và năm 2020 là 2%, năm 2021 là 1,85% và được trích từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, BHTN.
Ước chi phí BHXH, BHYT, BHTN năm 2020 là 12.782 tỷ đồng chiếm khoảng 27, 28% số tiền sinh lời từ hoạt động quỹ đầu tư năm 2020. Theo ông Giang, việc cắt giảm so với năm 2019 xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển và quản lý Quỹ BHXH năm 2020 đều cao hơn so với năm 2019, khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả thì mức giảm này chưa tương xứng. Do đó cần tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHTN trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn.
Cho rằng quy định hiện nay chưa rõ việc trốn đóng và chậm nộp BHXH nên các DN đã chây ỳ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) đề nghị: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý phân biệt rõ trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp, cùng đó là các chế tài để xử lý các đơn vị sử dụng lao động chậm nộp BHXH.
Cần sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 tuy có tăng so với 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng không cao, chủ yếu chọn đóng ở mức chuẩn nghèo nông thôn, 700.000 đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia đóng BHXH tự nguyện còn khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước.
Một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa như đạt mong muốn, theo ông Anh là do chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia như quy định thời gian đóng còn tương đối dài - 20 năm, chế độ hưởng còn hạn chế. Đặc biệt còn thiếu linh hoạt, đa dạng hình thức đóng so với các loại hình thương mại trên thị trường.
Từ phân tích trên, ông Anh đề nghị thời gian tới phải sớm xem xét, điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng và đa dạng hoá hình thức tham gia BHXH tự nguyện, nhất là có những phương thức, cách tính theo giá trị dòng tiền để tăng sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người, tăng 6,65% so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần giai đoạn 2016-2020 tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm 80,9%. Ông Sơn phân tích và dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Sơn, việc người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất. Nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Từ đó ông Sơn đề xuất, sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho các tỉnh, thành phố Hải Phòng; Nghệ An; Thanh Hóa; Thừa Thiên Huế. Đại biểu Cầm Hà Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho rằng, thực tế hiện nay nhiều địa phương muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Do đó Chính phủ cần xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét, lựa chọn thực hiện thí điểm, lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền, đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên, kết hợp các địa phương được xem xét lần này để thực hiện thí điểm.