Những điểm sáng của nền kinh tế xã hội
Sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, với các biện pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, chúng ta đã đạt được kết quả tích cực, nền kinh tế tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn giữ được mức bảo đảm, an ninh lương thực được giữ vững, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được đảm bảo.
Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%).
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong đó có ngành điện tử, dược, vật tư y tế, chế biến thực phẩm, hóa chất, chế biến gỗ... Vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nước được phát huy, là một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn ngành công nghiệp.
Xuất khẩu tăng, xuất siêu 9 tháng đạt 16,99 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 9 tháng tăng 20,2%. Đồng thời, các cấp các ngành chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế. Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt trên 21 tỷ USD.
Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019).
Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt 33,4% GDP (mục tiêu là 33-34% GDP). Tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 9/2020 đạt 57,2%.
Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội |
Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số được chú trọng, triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Rà soát, xử lý các mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật; trình Quốc hội xem xét, ban hành một số dự án luật, pháp lệnh quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đưa vào vận hành một số nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách thực chất hơn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt nhiều kết quả, biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN dự kiến giảm lần lượt là 2,34% và 3,13%.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh... Nước ta tiếp tục duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu nhóm 29 nước có mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thể hiện vai trò tiên phong trong nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh và phục vụ phát triển KTXH.
Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo 2 đợt thi, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm, riêng các huyện nghèo giảm trên 5 điểm phần trăm, đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông được quan tâm, góp phần động viên, cổ vũ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc. Công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên ngày càng được chú trọng hơn; hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có những chuyển biến tích cực. Đến năm 2020, 90% dân số khu vực đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và 90,2% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân. Tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành chú trọng, thực hiện tốt; số vụ khiếu kiện đông người giảm hẳn. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo, các lợi ích chính đáng của ta trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động và sự kiện lớn của đất nước.
Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động đối ngoại; đảm nhiệm thành công các trọng trách tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Quan hệ song phương với các đối tác tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh; tạo bước tiến mới, thực chất với việc phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA; đẩy mạnh triển khai Hiệp định CPTPP và tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai Hiệp định EVFTA; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.