Phát triển đô thị thông minh: Nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hướng đi có tính đột phá
Ngày 22/10/2020, tại thành phố Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020. Đây là sự kiện gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia |
Phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể diễn đàn, với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, diễn ra chiều ngày 22/10, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trườn và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. “Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?” - ông Nguyễn Văn Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 |
Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên. “Phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để chúng ta tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển đô thị thông minh là 1 trong 3 nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số)” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, phát triển hệ thống năng lượng thông minh thành công sẽ là động lực có tác động lan tỏa thúc đẩy các ngành, lĩnh vực |
Năm 2018, ASCN đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, xác định các mục tiêu, bao gồm nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn. Trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia ASCN là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Với vai trò là thành viên tích cực của ASCN, cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như coi xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý-người dân-nhà đầu tư.
Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Động lực phát triển đô thị thông minh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Đồng thời, phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh; thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, phát triển đô thị thông minh là một trong những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tận dụng nhanh chóng các thành tựu của khoa học kỹ thuật từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng, trình độ phát triển của hệ thống các đô thị của Việt Nam, từ đó phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của người dân, từng bước hướng tới phát triển hệ thống các đô thị xanh và bền vững. Mục tiêu, các nhiệm vụ cụ thể về phát triển đô thị thông mình đã được cụ thể hóa và phân công trách nhiệm thực hiện tới từng bộ, ngành và địa phương tại Quyết định định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này thể hiện quyết tâm và những bước đi rất quyết liệt của Chính phủ để hiện thực hóa mục tiêu này.
“Phát triển hạ tầng năng lượng thông minh là một nội dung quan trọng tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng. Để đảm bảo việc cung cấp năng lượng phục vụ phát triển của các đô thị một cách hiệu quả, bền vững , việc phát triển năng lượng thông minh được Bộ Công Thương xem xét và triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ một cách tổng thể, toàn diện” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống cơ sở pháp lý nhằm phục vụ phát triển hệ thống năng lượng thông minh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển thông qua triển khai các nhiệm vụ được nêu trong các Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 phê duyệt Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam, Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/03/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 (Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020)...
“Bộ Công Thương xác định các nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý là quan trọng hàng đầu, xuyên suốt các nhiệm vụ triển khai phát triển hạ tầng năng lượng thông minh tại Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đồng thời cho biết, theo kết quả điều tra, đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay lĩnh vực năng lượng và năng lượng điện có trình độ phát triển, khả năng sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức cao.
Bên lề Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh |
Trên cơ sở những thuận lợi đó, trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện các Chương trình quốc gia, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung đẩy mạnh triển khai nhưng nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình phát triển hệ thống năng lượng. Với vai trò là hệ thống hạ tầng quan trọng, việc triển khai phát triển hạ hệ thống năng lượng thông minh thành công sẽ là động lực, có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác tham gia phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm, trong thời gian qua, các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền, thực hiện các công tác chuẩn bị, một số địa phương đã căn cứ vào Đề án để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các Đề án phát triển đô thị thông minh của địa phương mình. Trong thời gian tới, sẽ tập trung hoàn thành một số nội dung cơ bản như tập trung xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển đô thị thông minh trong đó có chính sách về huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh; Tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của Đề án; xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác với các nước trong mạng lưới ASEAN và các quốc gia đối tác của ASEAN cũng như với các Bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền địa phương để cùng nhau gia tăng những cơ hội phát triển, vì sự thịnh vượng chung hướng đến mục tiêu cốt lõi của phát triển đô thị thông minh là vì chất lượng cuộc sống, sự phát triển, tiến bộ con người và phát triển quốc gia bền vững.