Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Với 446/452 đại biểu có mặt tán phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 2/4, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đọc dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội. Điều thứ 2 của dự thảo Nghị quyết nêu rõ Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ mới.
Bằng hình thức bấm nút điện tử, trong số 452 đại biểu có mặt (tương đương 94.17%), có 446 đại biểu tán thành, tương đương 92,92%, 6 đại biểu không tán thành, tương đương 1,25%. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, chiều 1/4, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, lý do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là để sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội XIII của Đảng.
Trước đó, sáng 18/3, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để thoả thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khoá XV. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong danh sách 3 người được giới thiệu ở cơ quan Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước có tên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ở khối Chính phủ, trong danh sách những người được giới thiệu là ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức trung ương.
Tại cuộc họp báo ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết "đây là lần đầu tiên bầu Thủ tướng làm Chủ tịch nước". Chính vì thế, theo tuần tự ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng. Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình.