Thủ tướng đối thoại với nông dân: Để nông dân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực
Sáng 29/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân cả nước về nhiều vấn đề mà người dân đang quan tâm. Tại hội nghị này, câu chuyện về khó tiếp cận vốn, giá ...
Khó tiếp cận vốn
Đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam, nông dân Trần Thị Thanh Thoan có mô hình chăn nuôi bò sữa với quy mô hơn 100 con, có 6 ha trồng ngô, trồng cỏ với doanh thu 14 tỷ đồng/năm. Theo phản ánh của bà Thoan, dù các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Bởi vậy, đây là lý do khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.
Trước thực tế đó, bà Thoan băn khoăn: “Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?”.
Tương tự, cũng liên quan đến câu chuyện tiếp cận nguồn vốn, nông dân Lê Quang Thắng (Quảng Ninh) cho rằng, những tác động bởi dịch Covid-19 đã khiến bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn này cho nông dân, Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay như thế nào để nông dân phục hồi sản xuất?
Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sức sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; trong đó có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp.
“Đây là quy định được người nông dân rất mong đợi. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay mà không cần phải thế chấp tài sản?” - ông Thắng đặt câu hỏi.
Trước những câu hỏi, kiến nghị của nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ đã rõ, nhưng trong tổ chức thực hiện, việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn.
Thủ tướng đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án rõ ràng, khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng cho rằng, việc chống lại thực trạng tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, nhằm hạn chế tín dụng đen.
Làm rõ thêm về chính sách hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.
Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội.
Đất sốt, nông dân đua nhau bán đất nông nghiệp
Cùng với vấn đề về vốn, vấn đề sốt giá đất, tăng trưởng nóng... là lĩnh vực được phần lớn nông dân quan tâm và đưa ra tại buổi đối thoại.
Nông dân Hoàng Đình Quê (thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) phản ánh, thời gian vừa qua, giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất nông nghiệp.
“Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. Để hạn chế thực trạng này, Chính phủ sẽ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?” - nông dân Hoàng Đình Quê đặt câu hỏi.
Trước băn khoăn của nông dân Hoàng Đình Quê, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên cho biết, các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh ở địa phương.
Trước thực tế này, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất và thị trường bất động sản.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung, trong đó có kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chính vì vậy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tới sẽ tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…
“Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với vấn đề vốn, đất, giá cả vật tư đầu vào gia tăng, thị trường tiêu thụ nông sản…cũng được nhiều nông dân phản ánh, chất vấn. Trước những tâm tư, chia sẻ của nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân.
Do vậy, thời gian tới cần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên:
Nỗ lực bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào
Giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó có giá vật tư nông nghiệp, đã tăng rất cao trong gần 2 năm qua là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao.
Thứ hai, nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ ba, gián đoạn chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng của đại dịch và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trước tình trạng giá vật tư liên tiếp tăng trong thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước. Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược.
Hiện nay, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130-170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng. Thực tế là vật tư đầu vào chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn với người nông dân.
Để hỗ trợ cho nông dân, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ nhằm sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào. Nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ Công thương sẽ cùng với Bộ NN&PTNN kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ trợ giá một số vật tư thiết yếu.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan - Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Rất cần thế hệ nông dân mới
Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo Chiến lược phát triển nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài những giải pháp về vốn, cơ sở vật chất, đào tạo… thì một trong những vấn đề căn cơ cốt lõi là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Ở các địa phương, để phát triển bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp xanh, cần phải quan tâm đến quy hoạch, trong đó có quy hoạch nguồn nhân lực.
Nếu như không làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực thì chúng ta sẽ không có hướng để đào tạo nguồn nhân lực tốt. Khi quy hoạch, nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương cần gì chúng ta sẽ có định hướng, kế hoạch để thực hiện. Đồng thời, cần có quy hoạch về cơ sở đào tạo và đào tạo như thế nào.
Trước những thách thức mới, rất cần thế hệ nông dân mới, một thế hệ nông dân có kiến thức về thị trường, kiến thức hội nhập, kiến thức về chuyển đổi số...
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:
Đẩy mạnh sản xuất theo tín hiệu thị trường
Ngành nông nghiệp đã có chủ trương và khẩu hiệu “sản xuất theo tín hiệu thị trường” nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất.
Do vậy, cần sớm có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.
Một vấn đề cần sớm được tháo gỡ đối với ngành nông nghiệp đó là những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế. Đặc biệt, 70 - 80 % là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao, đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp.
Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm có giải pháp, chính sách tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.