Vượt khó đi lên
Năm 2021, lại thêm một năm đặc biệt nữa của thế giới và Việt Nam. Với chúng ta, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhưng là năm thứ hai nền kinh tế và người dân dồn sức chống chọi lại dịch Covid-19. Dù dịc...
Nỗ lực chống dịch bệnh, lo cho sức khỏe nhân dân
Trải qua một năm 2020 đầy xáo trộn bởi sự phát hiện và lây lan diện rộng của virus SARS-CoV-2, những tưởng 2021 tình hình sẽ lắng dịu, nhất là khi thế giới đã điều chế được vaccine phòng ngừa Covid-19; nhưng dường như mọi thứ diễn ra không theo mong muốn của chúng ta. Kinh tế, sự giao thương của thế giới lại thêm một năm buồn khi tiếp tục phải hứng chịu sự tàn phá, chia cắt của dịch bệnh; nguồn lực của nhiều quốc gia đều phải tập trung cho việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta cũng không nằm ngoài vòng xoáy của dịch bệnh.
Nếu chỉ nói về dịch bệnh, có thể thấy, sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã lây lan đến 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 240 triệu ca mắc và 4,9 triệu ca tử vong (số liệu tính đến tháng 10/2021). Cuộc chiến với biến chủng mới ghi nhận làn sóng dịch bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia do biến chủng Delta, số ca mắc và tử vong do biến chủng này gây ra khoảng 80% tổng số mắc và tử vong trước đó; trong giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 700 nghìn đến 1 triệu ca mắc mới trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á ghi nhận trên 12,7 triệu ca mắc và trên 271 nghìn ca tử vong (chiếm 16,4% số mắc và 23,7% số tử vong của châu Á), trong đó Indonesia là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với số mắc tương đương 33,3% và tử vong tương đương 52,7% của khu vực...
Với Việt Nam, biến thể Delta đã khiến chúng ta phải đối mặt với đợt dịch lần thứ tư. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trước sự biến đổi và lây lan của chủng mới, Chính phủ đã có những điều chỉnh trong biện pháp, chính sách phòng chống dịch; dù rằng cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không phải là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường. Và, nói như ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về vaccine, sinh phẩm, thuốc, thiết bị cho xét nghiệm điều trị, lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã chủ động thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine.
Có lẽ chưa có làn sóng dịch nào lại nhận được sự quan tâm nhiều đến thế của nhân dân; bởi, nó là cuộc chiến chưa có tiền lệ với một kẻ thù giấu mặt. Trong cuộc chiến này, đặc biệt là đợt dịch thứ tư, lần đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hai lần có lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống dịch tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, toàn dân tộc. Lần đầu tiên biến chủng Delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp đã xuất hiện. Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay cũng được thực hiện. Cũng lần đầu tiên quân đội có cuộc điều quân lớn nhất chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay.
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), cả hệ thống chính trị đã có “sự chủ động, linh hoạt, lắng nghe trên tinh thần vì lợi ích của người dân và cũng rất quyết liệt, quyết tâm trong hành động”.
Cũng nhờ sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, chúng ta đã giảm thiểu được những tác hại của dịch bệnh đến đời sống người dân. Lo cho dân chính là lo cho nền kinh tế, lo cho sự phát triển chung của đất nước. Đó là một trong những thành công quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19.
Tính toán các chương trình phục hồi kinh tế
Không chỉ ảnh hưởng đời sống nhân dân, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư có tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 10.200 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sự phản hồi của gần 3.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”. Con số này tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020 . Cụ thể, trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch Covid-19 “phần lớn là tiêu cực”. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định dịch Covid-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” lên tới 34%, cao đáng kể so với mức 15% của khảo sát năm 2020. Khảo sát tháng 9/2021 cũng ghi nhận chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch và chưa đến 2% doanh nghiệp cho biết nắm bắt được cơ hội để phát triển.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Đại dịch khiến khoảng 61,8% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh gây đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tìm giải pháp và chỉ đạo, điều hành thực hiện hàng loạt các giải pháp gỡ khó. Ngoài nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, nhiều biện pháp cứu doanh nghiệp và nền kinh tế cũng được đưa ra. Một “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”, trong đó tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển mạnh thị trường nội địa, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, khôi phục thị trường lao động gắn với kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh; thu hút hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu đang được Chính phủ xây dựng để trình cấp có thẩm quyền thông qua với hy vọng, khi đi vào thực thi, chương trình này sẽ giúp nền kinh tế và doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi để từ đó tăng trưởng trở lại.
Nói đến khó khăn không phải để bi quan; mà để thấy chúng ta đã đối mặt và đã từng bước vượt khó khá thành công. Bởi nhờ, trong khó khăn, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao, kịp thời vừa tháo gỡ khó khăn vừa tìm hướng ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Dẫu biết, những khó khăn cần phải được khắc phục không phải chỉ ngày một, ngày hai nhưng bằng các hệ giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và một chiến lược dài hơi mà Nghị quyết Đại hội XIII nêu ra, chúng ta rồi sẽ vượt qua khó khăn này nhất là khi có sự đồng lòng của nhân dân.
Dịch bệnh sẽ qua. Kinh tế Việt Nam sẽ lại khởi sắc.
Bằng tâm thế ấy, chúng ta chờ đợi và hy vọng vào một năm 2022 với nhiều niềm vui.