Wednesday, Feb 23, 08:02 AM

Áp lực lãi suất đè nặng doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào việc tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Áp lực lãi suất đè nặng doanh nghiệp
Áp lực lãi suất đè nặng doanh nghiệp
193p-luc-l227i-suat-d232-nang-doanh-nghiep_1.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi lãi suất cho vay sớm hạ nhiệt. Ảnh: Quang Vinh.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nếu lãi suất tiếp tục ở mức 15%-16%/năm như hiện nay, các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp mong hạ lãi suất

Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu hiện nay chủ yếu là được giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Bởi lẽ, các DN đang phải cạnh tranh khá gay gắt, họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Việt Anh, thời điểm này hầu hết các DN vẫn đang phải cố gắng cầm cự, họ phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, rất nhiều DN có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí DN bị đội lên rất lớn.

Trong suốt thời gian qua, các DN sản xuất, kinh doanh gặp khó vì lãi suất tăng cao. Đặc biệt, với các DN xây dựng nhà ở xã hội, họ cũng đối diện với bài toán khó về lãi suất. Trong khi đây là nhóm đối tượng DN đáng lẽ phải được hưởng nhiều ưu đãi trong cơ chế, chính sách tín dụng, song cũng đang phải vay vốn ngân hàng với mức lãi suất cao như bình thường.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lê Thành chia sẻ, các DN đầu tư dự án nhà ở xã hội đang phải vay với mức lãi suất lên tới 14%, ngang với lãi vay đầu tư dự án nhà ở thương mại. Theo ông Nghĩa, lãi suất cao thì các DN sẽ khó giảm giá nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quy định hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50%, trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn không áp lãi suất thấp cho DN vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía NHNN.

Nhiều DN than thở, với mức lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì họ cầm cự đã khó chứ đừng nói gì đến bứt phá trong thời gian tới. Bởi vậy, mong muốn của cộng đồng DN là Chính phủ, NHNN cần có giải pháp rõ ràng hơn cũng như có lộ trình cụ thể trong vòng 6 tháng tới để kéo lãi suất dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.

Lãnh đạo một DN cho biết, phần lớn các DN đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản cũng giảm theo, khiến nguồn vốn giải ngân cho DN rất thấp.

Gỡ khó

Đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 01 được ban hành vào ngày 6/1/2023 với nhiều điểm nhấn quan trọng; trong đó, các giải pháp liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thanh khoản thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc hỗ trợ DN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn với mức lãi suất cho vay lên tới 15-16%/năm như hiện nay.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, từ nửa cuối năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc cạn nguồn vốn tín dụng, nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. Trong khi DN FDI được tiếp cận vốn rẻ thì DN nội địa đang phải vay vốn với lãi suất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh.

Ông Thiên nhấn mạnh, vấn đề then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm; đồng thời, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu còn bất cập, gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng nhiều.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt. Điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, các biện pháp hỗ trợ DN giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

T.Xuân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ap-luc-lai-suat-de-nang-doanh-nghiep-5709159.html Copylink