Friday, Sep 22, 05:09 PM

Công ty Bảo hiểm không được đầu tư bất động sản: Bộ Tài chính nói gì?

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nhiều quy định mới trong việc kiểm soát các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Công ty Bảo hiểm không được đầu tư bất động sản: Bộ Tài chính nói gì?
Công ty Bảo hiểm không được đầu tư bất động sản: Bộ Tài chính nói gì?
c244ng-ty-bao-hiem-kh244ng-duoc-dau-tu-bat-dong-san-bo-t224i-ch237nh-n243i-g236_1.png
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm. Ảnh: BTC.

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 với 7 Chương, 157 Điều, có hiệu lực từ 1/1/2023, tạo ra những thay đổi cơ bản và toàn diện về thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được đánh giá là có nhiều bổ sung, cải tiến quan trọng trên tinh thần khắc phục những điểm hạn chế của Luật cũ, điều chỉnh bổ sung quy định mới cho phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.

Cụ thể, luật đã sửa đổi, bổ sung một loạt quy định để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại với đối tác nước ngoài, như đơn giản thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn doanh nghiệp bảo hiểm trong nước...

Chủ trì buổi họp báo chuyên đề giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết các nội dung sửa đổi, bổ sung tại luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, ông Huyền cũng thông tin thêm về quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 trong việc kiểm soát các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đáng chú ý, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 yêu cầu các công ty hạn chế đầu tư kinh doanh trực tiếp vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, trừ một số trường hợp, như mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ông Huyền cho biết, các cổ phiếu niêm yết này đã trải qua cơ chế giám sát của cơ quan quản lý chứng khoán và đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn, hoạt động, nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của công ty; được nắm giữ bất động sản từ hoạt động xử lý trái phiếu hoặc đối trừ công nợ phải thu có đảm bảo bằng bất động sản. Tuy nhiên, việc nắm giữ này chỉ được kéo dài tối đa 3 năm, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành chuyển nhượng hoặc thanh lý bất động sản.

Cơ quan quản lý sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm, thông qua nắm bắt từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra tại chỗ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư bất động sản sẽ có biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm.

Trả lời về việc doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh trực tiếp vào bất động sản, đại diện bộ Tài chính cho biết các quy định này xuất phát từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm là phải đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn để thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Vì vậy, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng vào những lĩnh vực an toàn.

Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư nguồn lực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, luật cũng bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Quang Thành
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/cong-ty-bao-hiem-khong-duoc-dau-tu-bat-dong-san-bo-tai-chinh-noi-gi-5696809.html Copylink