Monday, Mar 23, 07:03 AM

Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán

Thời gian gần đây, nhiều người nhận được những cuộc gọi từ các số điện thoại lạ và nói có tài liệu chứng khoán muốn gửi anh/chị đọc và tìm hiểu. Thực chất, đây là thủ đoạn mời gọi đầu tư chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc.

Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán
Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán
canh-b225o-lua-dao-dau-tu-chung-kho225n_1.jpg
Ảnh minh họa.

Cơ quan quản lý lên tiếng

Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa phát đi thông báo tới các nhà đầu tư khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các website hoặc tài khoản trên mạng xã hội.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital…) để lập các website, tài khoản facebook, telegram… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

Chính vì vậy, Ủy ban Chứng khoán nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các website hoặc tài khoản trên mạng xã hội.

Nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Trước đó, đại diện của Quỹ đầu tư VinaCapital tại Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh về việc có các đối tượng mạo danh VinaCapital mời mọi người tham gia đầu tư qua các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Telegram, TikTok… với mức lãi suất hằng ngày rất cao. Các cá nhân này yêu cầu nhà đầu tư chuyển tiền vào một tài khoản của cá nhân để đặt lệnh, dẫn đến việc nhà đầu tư bị lừa mất tiền.

VinaCapital lưu ý, quỹ luôn đề cao việc bảo mật thông tin tài khoản và thông tin cá nhân của nhà đầu tư nên đã triển khai các hệ thống công nghệ kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, số tiền đầu tư vào các quỹ mở VinaCapital không bao giờ được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân mà chỉ chuyển vào tài khoản của quỹ mở tại ngân hàng giám sát.

Tài khoản quỹ tại ngân hàng giám sát được kiểm soát bởi Ủy ban Chứng khoán nhà nước để đảm bảo tiền của các quỹ được sử dụng đúng vào mục đích đầu tư như đã nêu trong Bản cáo bạch và Điều lệ. Các số tài khoản của các quỹ đã được công bố trên trang web của VinaCapital.

Ngoài ra, đầu tư quỹ mở VinaCapital luôn có chuyên viên quan hệ/tư vấn khách hàng chăm sóc và hướng dẫn. Đối với đầu tư trực tiếp, việc đặt lệnh đầu tư phải thực hiện qua ứng dụng VinaCapital MiO trên website và điện thoại với đầy đủ các tính năng bảo mật…

Tương tự, một quỹ đầu tư khác là Dragon Capital Việt Nam cũng ghi nhận thông tin có các đối tượng mạo danh là nhân viên quỹ này tiếp cận nhiều người qua các kênh chat room, facebook và kể cả cộng đồng nhà đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nạn nhân bị lừa với số tiền khá lớn sau khi tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng mạo danh này" - Dragon Capital Việt Nam thông tin.

Nâng cao cảnh giác

Theo các chuyên gia pháp luật, thời gian gần đây có không ít đối tượng lập website giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh và địa chỉ của DN khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhầm lẫn. Dù cơ quan quản lý liên tiếp đưa ra các thông tin khuyến nghị, nhưng bản thân là người dân khi đứng trước những thông tin mời gọi đầu tư hấp dẫn cũng cần nâng cao cảnh giác.

Chị Đỗ Thuỳ Linh ( Long Biên – Hà Nội) chia sẻ với phóng viên, hơn 3 tháng nay, thi thoảng chị nhận được điện thoại từ số lại, nói rằng: Có tài liệu đầu tư chứng khoán, muốn gửi cho chị đọc và tham khảo. Là một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán hơn 5 năm nay, khi tiếp nhận thông tin chị Linh biết đó là lừa đảo, nên đã thẳng thắn trả lời: Không có nhu cầu.

Nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm như chị Linh. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khác đã bị dính bẫy lừa.

Chị Thu Nhài (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ, có tài khoản tên Hoàng Vũ chủ động kết bạn zalo với chị lôi kéo chị chơi chứng khoán quốc tế bằng các quảng cáo: Giao dịch T+0, được mua bán trong ngày; chơi thử trên bản demo (bản mô hình) rồi chơi thật.

“Tôi thấy cũng hấp dẫn nên đã chơi thử, rồi như nghiện. Tôi làm theo các hướng dẫn và còn nộp hơn 5 triệu vào tài khoản để chơi. Càng chơi thật càng lỗ. May có người bạn biết tôi chơi nên ngăn dừng lại”- chị Nhài chia sẻ.

Theo lời chị, thông thường khi đã tạo được lòng tin, đối tượng sẽ tung tin bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại. Vì tin tưởng sẽ rút được tiền và kiếm thêm lợi nhuận dễ dàng, nhiều người đã nộp tiền nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng theo chỉ định của các đối tượng lừa đảo.

Tại nhiều địa phương khác, nhiều cá nhân cũng đã mất tiền vì bị lừa đảo. Công an tỉnh Kon Tum vừa tiếp nhận đơn trình báo 2 trường hợp bị tội phạm giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây tổng thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông từng đưa ra khuyến cáo người dân khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) rồi phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cung cấp các bằng chứng đã có tới cơ quan công an, đề nghị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

H.Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/canh-bao-lua-dao-dau-tu-chung-khoan-5712083.html Copylink