Chờ lương thưởng cuối năm
Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, thị trường lao động cũng dần ổn định nhưng cuộc sống của nhiều người vẫn rất khó khăn. Chính vì vậy người lao động ngóng đợi các khoản lương, thưởng cuối năm; không chỉ để lo cho cái Tết mà còn là động lực thú...
Thấp thỏm lo Tết
Bất chấp dịch tại Hà Nội ngày càng gia tăng chị Phạm Thị Hậu công nhân Khu công nghiệp Đông Anh vẫn cố bám trụ lại với mong muốn cuối năm có thêm việc làm thêm và có thêm khoản thưởng Tết để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Dù những tháng qua chị không phải nghỉ việc dài ngày, nhưng thu nhập không ổn định cộng thêm việc chồng chị bị mất việc làm suốt 4 tháng liền vì thế số tiền ít ỏi tích cóp được trước đó phải mang ra để chi tiêu.
“Vẫn biết một năm đầy khó khăn không chỉ với người lao động mà với doanh nghiệp rất khó khăn nhưng với người lao động như chúng tôi, thưởng Tết là “cứu cánh” duy nhất để có thể trang trải được cho gia đình một cái tết đầm ấm” - chị Hậu chia sẻ.
Nhắc đến thưởng Tết, chị Kim Thị Thu Hương làm nhân viên kinh doanh bánh kẹo ở Hà Nội không khỏi buồn lòng cho biết, để có được công việc ổn định không bị cho nghỉ luân phiên, dịp tết chị đã phải bỏ vốn “ôm” hàng đáp ứng chỉ tiêu mà công ty giao. Những ngày này, chị phải về tận những vùng quê để tìm đại lý và bán lẻ với mong muốn nhanh thu hồi vốn.
“Vất vả, cực là thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy công ty lên phương án thưởng Tết. Một năm đầy khó khăn và chật vật, cuối năm cũng chỉ mong có chút tiền thưởng để có thể trang trải cho gia đình nhu yếu phẩm cần thiết trong dịp Tết đến Xuân về” - chị Thu Hương trải lòng.
Thấp thỏm lo Tết không chỉ là nỗi lòng của người lao động mà cũng là trăn trở của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình hình tài chính khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn thu xếp để lao động có tháng lương 13. Tuy nhiên với những công nhân không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” sẽ không được đánh giá thi đua, mức thưởng sẽ thấp. Các công ty ở phía Nam gặp khó khăn hơn các công ty ở phía Bắc do thời gian đóng cửa lâu hơn và thiếu lao động sau khi hoạt động trở lại.
Tại TP Hồ Chí Minh, khảo sát của Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp cho thấy, Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án “vừa sản xuất vừa cách ly” tăng cao nên thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đã báo cáo có chi tiền Tết cho lao động, trong đó một số công ty công bố mức thưởng một tháng lương, số còn lại giảm còn 50-70%.
“Chìa khóa” giữ chân lao động
Theo nhận định của giới chuyên gia, mức thưởng Tết 2022 sẽ rất khó khăn, theo dự báo mức thưởng phổ biến sẽ là một tháng lương tùy theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Do dịch kéo dài nên một số ngành như du lịch, vận tải thậm chí không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp để giữ lao động. Hiện, da giày, dệt may, 2 ngành sử dụng nhiều lao động đang cố gắng bảo đảm thưởng Tết bằng 80% của năm ngoái.
Tuy nhiên năm 2021 là năm mà người lao động gặp rất nhiều khó khăn liên tiếp giảm thu nhập, mất việc làm tạm thời do giãn dịch, do doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất…trong khi đó các chi phí như ăn uống, thuê nhà, tiền học vẫn phải chi trả do vậy dịp Tết doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người lao động.
“Dịp tết năm nay rất khó có thưởng cao đột biến như những năm trước, thậm chí khu vực phía Nam có khả năng giảm sút 30-50%. Dù vậy, nhưng để giữ chuân lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ trích một phần lợi nhuận ít ỏi để có thưởng Tết cho công nhân. Khoản tiền này cũng chính là động lực giúp cho người lao động thêm gắn bó với công ty”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, Bộ luật Lao động không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho lao động, nhưng từ lâu thưởng tết đã thành văn hóa của người Việt. Tâm lý của người lao động ai cũng mong, ngóng thưởng Tết. Do vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp cần thực hiện tốt chính sách phúc lợi cho nguwòi lao động, chỉ khi được quan tâm người lao động mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
“Làn sóng chuyển dịch lao động tại các tỉnh phía Nam vừa qua cho thấy, doanh nghiệp sẽ khó có thể phục hồi sản xuất nếu chuỗi lao động bị đứt gãy. Vì vậy bên cạnh giải pháp dài hạn như xây nhà, đào tạo tay nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì việc chăm lo chính sách phúc lợi xã hội nhất là dịp Tết cho người lao động là nhân tố rất quan trọng. Việc làm này không chỉ là nhân tố đánh giá trách nhiệm xã hội mà còn thể hiện sự sẻ chia trước những khó khăn do dịch đối với người lao động” - ông Huân nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, để giữ chân người lao động, bảo đảm tiền lương, chính sách phúc lợi cuối năm cho người lao động được xem là chìa khóa hiệu quả tránh đứt gãy chuỗi lao động. Trong đó để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, địa phương và các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo cho người lao động có cái Tết được đầm ấm và đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Kết quả khảo sát về thưởng tết của Công ty Anphabe (công ty về nguồn nhân lực) cho thấy, 80% doanh nghiệp sẽ cố gắng chi thưởng tết cho người lao động. Nhưng trong đó chỉ 52% có thể chi thưởng như dự kiến. Khoảng 20% người lao động sẽ không có thưởng và rơi vào các ngành bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh như: du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng, quảng cáo.