Monday, Oct 22, 07:10 AM

Cuộc đua lãi suất: Dự báo tiếp tục nóng

Lãi suất đầu vào tăng đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng sẽ nâng lên. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước lãi suất đầu ra của ngân hàng phải tăng theo, áp lực không hề nhỏ.

Cuộc đua lãi suất: Dự báo tiếp tục nóng
Cuộc đua lãi suất: Dự báo tiếp tục nóng
cuoc-dua-l227i-suat-du-b225o-tiep-tuc-n243ng_1.jpg
Nhiều người chuyển sang gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất huy động tăng mạnh. Ảnh:X.N.

Lãi suất huy động gần chạm mốc 10%/năm

Mức lãi suất cao đột biến đã lên tới 9,5% vừa được ứng dụng ngân hàng số Cake by VPBank đưa ra, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng. Đây là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.

Đưa ra mức huy động tiền gửi thấp hơn một chút, nhưng cũng được đánh giá là khá hấp dẫn, VietABank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 - 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) với hình thức gửi online. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng được nâng lên mức 8,3%/năm; 7-11 tháng lên mức 8,5%/năm. Ngoài ra nhiều ngân hàng như SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank... đã tăng lãi suất huy động lên mức tiệm cận 9%/năm.

Giới phân tích dự báo, với làn sóng đua tăng lãi suất như hiện nay, lãi suất huy động trên thị trường cuối năm có thể chạm mốc 10%/năm.

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Reseach), áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. SSI cũng quan sát thấy động thái tăng mạnh lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại hiện đã tăng khoảng 2-2,5% so với cuối năm 2021.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; đồng thời thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản của hệ thống.

Khi cuộc đua lãi suất huy động chưa có điểm dừng, vấn đề nhiều người quan tâm là nên gửi ngân hàng nào để an toàn và sinh lợi cao nhất. Ông Nguyễn Văn Tứ ( Ngọc Lâm – Hà Nội) chia sẻ, ông có quyển sổ tiết kiệm 250 triệu đồng sắp đến hạn. Dù biết gửi tiền tiết kiệm là an toàn hơn cả nhưng ông Tứ đang băn khoăn không biết nên gửi ở ngân hàng nào.

Tương tự chị Thu Trang ( Cổ Bi - Gia Lâm – Hà Nội) cũng cho biết, hơn 1 tuần nay chị lên mạng tìm kiếm thông tin gửi tiết kiệm ngân hàng nào an toàn nhất và nên gửi kỳ hạn dài hay kỳ hạn ngắn.

Theo giới chuyên gia, cạnh tranh lãi suất giữa các tổ chức tài chính là một dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư có nhiều phương án lựa chọn. Sự chênh lệch nhỏ về lãi suất đôi khi có thể khiến khách hàng hoang mang không biết nên chọn ngân hàng nào, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo khi gửi tiết kiệm, ngoài mức lãi suất, người gửi cần lưu ý tới uy tín của ngân hàng vì một ngân hàng phát triển tốt sẽ có lượng khách hàng và tăng trưởng ổn định; chọn gói tiết kiệm phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi của mình.

Áp lực lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới thông tin, đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, trong khi nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm. Chính vì thế, không ít tổ chức dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ dẫn đến áp lực tăng lãi suất cho vay.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, lãi suất đầu vào tăng đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng sẽ nâng lên. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, lãi suất đầu ra của ngân hàng sẽ tăng theo.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ, mặc dù NHNN có nới room cho một số ngân hàng, song trên thực tế chỉ là cơ cấu lại hạn mức giữa các nhà băng, về tổng thể vẫn duy trì mức tăng trưởng 14%.

Với các ngân hàng vẫn còn room tín dụng để cho vay thêm, chắc chắn nhóm này sẽ nâng lãi suất vì nhu cầu vốn hiện nay đang lớn trong khi room còn hạn hẹp, chi phí đầu vào cao hơn, lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi.

Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 10, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới. Vì thế, NHNN vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới.

Dù đánh giá cao nỗ lực bình ổn lãi suất từ phía cơ quan quản lý, vậy nhưng thực tế người vay tiền đang phải trả nhiều chi phí hơn khi lãi suất cho vay tăng.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Trần Xuân Soạn, Hà Nội) cho biết, chị vừa đáo hạn 10 khế ước, và được ngân hàng thông báo lãi suất tăng từ 8,5% lên 10,5% /năm. Chưa kể vì quen biết với nhân viên ngân hàng nên chị mua thêm gói bảo hiểm 20 triệu đồng/ nữa. “Tính ra với khoản vay kinh doanh bất động sản 1 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả thêm tiền lãi 2 triệu đồng nên cũng chịu được” – chị Nhung nói.

Nhiều khách hàng khác cũng đang có ý định vay tiền ngân hàng để mua nhà cho biết, được nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất vay hiện tại khoảng 11,5%/năm trong 2 năm đầu. Để được giải ngân sớm, khách hàng phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, còn không thì phải chờ.

Trong khi đó một số ngân khác thông báo lãi suất vay mua nhà lên tới 13%/năm và thả nổi theo thị trường.

Không chỉ khách hàng cá nhân, thời điểm cuối năm các DN cũng chạy đôn chạy đáo để vay vốn sản xuất. Nhân viên Công ty TNHH Nhất Nam cho biết, công có nhu cầu vay vốn, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo hết room hiện chỉ còn giải ngân các khoản vay tiêu dùng nhỏ dưới 3 tỷ đồng và lãi suất cũng cao hơn khoảng 3% so với đầu năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, không thể yêu cầu ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Dù vậy, trong lúc này, các ngân hàng cũng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng.

T.Hằng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/cuoc-dua-lai-suat-du-bao-tiep-tuc-nong-5700144.html Copylink