Saturday, Aug 23, 09:08 AM

Dòng tiền chuyển hướng

Lãi suất huy động khối ngân hàng thương mại giảm mạnh, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài của các ngân hàng thương mại cổ phần từ 5,7 – 7,8%/năm; còn tại các ngân hàng quốc doanh được ghi nhận từ 6,3%/năm. Vậy khi lãi suất huy động giảm, dòng tiền sẽ chuyển hướng về đâu?

Dòng tiền chuyển hướng
Dòng tiền chuyển hướng
d242ng-tien-chuyen-huong_1.jpg
Dòng tiền chảy vào chứng khoán đang mạnh lên. Nguồn: VTC news.

Lãi suất huy động giảm mạnh

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được giữ nguyên so với cùng kỳ tháng 7/2023. Theo đó: BIDV, Vietcombank, VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 6&9 tháng là 5,0%/năm, còn kỳ hạn 12 và 24 tháng là 6,3%/năm. Còn tại Agribank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn 6 và 9 tháng là 5,0%/năm; 12 tháng là 6,3%/năm; 24 tháng là 6,0%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm, với mức giảm thêm từ 0,1 - 2,2%/kỳ hạn/tùy từng ngân hàng. Trong số các ngân hàng được khảo sát, VPBank có mức điều chỉnh giảm rất mạnh, với mức giảm thêm từ 0,6 - 2,2%/tùy kỳ hạn được khảo sát, so với cùng kỳ tháng 7/2023. Cụ thể, các lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng có mức giảm 0,6%, cùng niêm yết ở mức 6,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng có mức giảm thêm là 0,7%, qua đó niêm yết lãi suất huy động tại mức 6,3%; kỳ hạn 24 tháng có mức giảm rất mạnh lên tới 2,2%, qua đó niêm yết lại suất tại 5,7%/năm.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 14,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022. Tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng lên gần 6,35 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức tiền gửi dân cư cao nhất từ trước tới nay.

Những số liệu trên phần nào phản ánh xu hướng lựa chọn của người dân trong những tháng đầu năm, vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng. Bởi lẽ, dù lãi suất giảm, đây vẫn là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn nhất trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, thì nhiều người sẽ tính toán đến việc dịch chuyển dòng tiền.

Dòng tiền dịch chuyển, thúc đẩy “sóng” chứng khoán

Khi lãi suất giảm, nhiều người quan tâm dòng tiền liệu có dịch chuyển. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán, bất động sản.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho rằng mặc dù thị trường bất động sản đã dần phục hồi từ tháng 5 đến nay, nhưng dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại khi lực cầu yếu. Đối với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, biến động thị trường ở mức thấp, NHNN duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao.

Kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất thấp đang được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý thị trường chứng khoán cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi trong thời gian tới.

So sánh các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện tại, ông Khánh đánh giá, cổ phiếu đang là kênh hấp dẫn hơn cả.

Trong báo cáo mới đây, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, khi các nền kinh tế trong ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Fed (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ), Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu năm 2023. Các chuyên gia của HSBC dự báo, trong quý III/2023, NHNN có thể sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024. Việc cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay (lãi suất huy động đã giảm khoảng 150 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay), góp phần cho chỉ số VN-Index tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến nay.

Đáng chú ý, tình hình cải thiện đối với thị trường bất động sản đã tác động tích cực đến tâm lý đối với cổ phiếu bất động sản lớn và tâm lý của nhà đầu tư đối với các công ty hưởng lợi từ hoạt động phát triển bất động sản như cổ phiếu của công ty xây dựng, công ty thép…

Giới phân tích cho rằng, mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại trong nửa đầu năm 2023, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ phía Chính phủ, bao gồm việc cắt giảm lãi suất, mặt khác, kinh tế của Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã qua giai đoạn sụt giảm.

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapita (tập đoàn quản lý tài sản đa lĩnh vực), lãi suất thấp đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản khi các hoạt động giao dịch đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Một số chuyên gia cũng cho rằng, khi nhà đầu tư không còn hứng thú với việc gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản sẽ là những kênh được lựa chọn đầu tiên. Trong đó, bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư hiệu quả.

H.Hương- P.Vân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dong-tien-chuyen-huong-5725620.html Copylink