Đầu tư chứng khoán: Hàng loạt doanh nghiệp nhận 'trái đắng'
Thị trường biến động khiến không ít nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ nặng vì
Nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán có nhiều biến động mặc dù nền kinh tế được nhận định có triển vọng hồi phục. Những lo ngại về lạm phát, lãi suất và tăng trưởng lợi nhuận,... khiến thị trường diễn biến thận trọng trong 6 tháng đầu năm.
Theo ước tính của các công ty chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận các công ty niêm yết trong nửa đầu năm 2022 không cao. Cùng với đó, động thái tăng lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo hiệu ứng tâm lý kém khả quan trong ngắn hạn đối với nhà đầu tư.
Việc thị trường chứng khoán nhiều biến động, thậm chí không ít rủi ro khiến một số doanh nghiệp "ôm" lỗ do đầu tư chứng khoán.
Đơn cử như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (MCK: VHC), theo báo cáo tài chính quý II/2022, doanh thu trong kỳ đạt mức kỷ lục 4.327 tỷ đồng, tăng 85% cùng kỳ năm trước; lãi gộp lần đầu vượt mức 1.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Ngành kinh doanh chính đạt kết quả ấn tượng nhưng số liệu cuối quý II/2022 cho thấy, Vĩnh Hoàn đang bị thua lỗ lớn từ đầu tư chứng khoán.
Được biết, doanh nghiệp cá tra thường xuyên duy trì một lượng tiền lớn để mua bán cổ phiếu để tìm kiếm thêm lợi nhuận trên sàn chứng khoán. Tính đến cuối quý II/2022, đơn vị này đầu tư tổng cộng gần 200 tỷ đồng vào cổ phiếu tính theo giá gốc "rót" vào các cổ phiếu bất động sản gồm: NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long, DXS của Đất Xanh Services và KBC của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc.
Thế nhưng, giá trị hợp lý hiện chỉ còn hơn 137 tỷ đồng khiến Vĩnh Hoàn phải dự phòng gần 63 tỷ đồng. Khoản dự phòng này khiến chi phí tài chính của VHC trong kỳ tăng lên hơn 3 lần so với quý II/2021.
Chi phí tài chính trong quý II/2022 nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới gần 380 tỷ đồng khiến Công ty cổ phần Licogi 14 (L14) lỗ hơn 346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 23 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư trên được thực hiện thông qua Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 (công ty con). Trong phần thuyết minh, L14 không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ.
Sở hữu danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu thuộc những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động hiệu quả cao, thế nhưng Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại lỗ quý lớn nhất từ trước đến nay do đầu tư cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2022, VDSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 146 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2021.
Phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là âm 20 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ghi âm hơn 63 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 83 tỷ đồng).
Lỗ từ FVTPL của VDSC tăng lên mức gần 270 tỷ đồng, chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL lên đến 209 tỷ đồng.
Công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý II và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2022, tổng danh mục FVTPL mà VDSC nắm giữ là gần 856 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Danh mục cổ phiếu chiếm phần lớn với hơn 607 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía VDSC cho rằng, cổ phiếu mà đơn vị này đang đầu tư thuộc những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ấn tượng như: Dabaco, Vietinbank, Hòa Phát, Techcombank…Vì vậy, hoạt động đầu tư sẽ có kết quả tích cực hơn trong các tháng cuối năm khi thị trường được hỗ trợ và có triển vọng rõ ràng hơn.
Chung cảnh với VDSC, Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng trong quý II/2022. Khoản lỗ hơn 367 tỷ đồng từ việc bán danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu là một trong những nguyên nhân khiến ORS kinh doanh kém hiệu quả.