Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt: Làm gì để người dân dễ dàng sử dụng?
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80...
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng cho rằng, để thu hút người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt, điều quan trọng là các ngân hàng phải cung cấp đầy đủ phương tiện, công nghệ tại các địa điểm thanh toán, giúp người dân dễ dàng sử dụng.
PV: Thưa ông, vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh là thời cơ vàng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông nghĩ sao về điều này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đi vào giai đoạn không thể không sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, khi dịch bệnh đang rất nghiêm trọng. Dịch bệnh Covid-19 có thể coi là một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu, nó gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, y tế và sức khoẻ con người.
Tuy vậy, một trong những điểm tích cực mà dịch bệnh này mang lại là một cơ hội thúc đẩy chuyển đổi từ thanh toán truyền thống sang thanh toán không dùng tiền mặt. Những phương thức sản xuất truyền thống bằng tiếp xúc trực tiếp, cần mặt đối mặt thì nay buộc phải thay đổi bằng công nghệ hiện đại, không tiếp xúc trực tiếp.
Nhìn chung, dịch bệnh đặt con người vào những thách thức, khó khăn nhưng cũng vừa là cơ hội để nắm bắt thời điểm vàng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang thu hút sự quan tâm người dân. Nhưng để hình thành thói quen này, theo ông phải mất thời gian bao lâu và phụ thuộc vào những yếu tố gì?
- Thị trường thanh toán hiện có rất nhiều sản phẩm. Nhưng theo tôi, mấu chốt không chỉ là nhiều loại hình thanh toán mà nó nằm ở 2 đầu mối: Người tiêu dùng có sẵn sàng bỏ thói quen sử dụng tiền mặt để chuyển qua những công cụ khác, và người bán hàng có chấp nhận phương thức này hay không. Công cụ đã có, vậy muốn người tiêu dùng chuyển đổi, hình thành thói quen phải khuyến khích các điểm bán lẻ chấp nhận hình thức thanh toán phi tiền mặt.
Tỷ lệ này hiện nay vẫn còn thấp, nhất là đối với khu vực tiểu thương nhỏ lẻ. Hiện trong thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ có các doanh nghiệp tham gia đồng bộ, trả lương, chi tiêu qua hệ thống ngân hàng. Còn về cá nhân hiện nay người sử dụng tiền mặt nhiều và người nhận tiền mặt cũng nhiều.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay, muốn giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán cần phải có thời gian, khoảng 10 năm, trong đó chia ra mục tiêu cho các mốc 3 năm, 5 năm và 10 năm. Cụ thể, trong vòng 3 năm tới, nỗ lực giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của người dân từ khoảng 80% hiện tại xuống mức 70%, đến 5 năm giảm xuống mức 50% và 10 năm tới giảm xuống mức 20%.
Đây là mức thành công, phải chấp nhận luôn luôn có tỷ lệ người dân dùng tiền mặt thanh toán, trừ trường hợp khi đó Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền giấy nữa mà phát hành tiền kỹ thuật số.
Đặc biệt, để thu hút người dân sử dụng dịch vụ trong thanh toán không tiền mặt, điều quan trọng là các ngân hàng phải cung cấp đầy đủ phương tiện, công nghệ tại các địa điểm thanh toán, giúp người dân dễ dàng sử dụng. Đó là các ngân hàng phải kết nối, bắt tay với các cửa hàng, điểm bán hàng, trước mắt là các dịch vụ thiết yếu như trạm xăng dầu, cửa hàng bán thuốc… để cung cấp thêm các thiết bị, công nghệ POS.
Trên thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt phần lớn vẫn ở các khách sạn, siêu thị, cửa hàng tại các đô thị, thành phố lớn. Trong khi đó, tại những vùng ngoại thành, cửa hàng nhỏ thì chưa được cung cấp, khiến người dân khó khăn trong việc thanh toán phi tiền mặt.
Đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đặc biệt là việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt?
- Tôi cho rằng chúng ta đã đi một đoạn đường rất dài với mong muốn chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng tiền mặt là chủ yếu thành nền kinh tế phi tiền mặt, nhưng đến nay con số giao dịch dùng tiền mặt vẫn là 80%. Sống ở TP HCM hay Hà Nội, khi ra khỏi nhà tôi không đủ tự tin khi chỉ cầm theo thẻ ngân hàng, bởi trong cuộc sống hằng ngày, tôi vẫn phải sử dụng tiền mặt, từ việc ăn sáng, đổ xăng, hay mua hàng ở các cửa hiệu tạp hóa.
Theo tôi, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ phía Chính phủ và cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay cần có những quyết tâm mới, thực chất hơn, và cũng cần sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Như vậy, cần phải lưu ý điều gì để người dân tin tưởng khi sử dụng dịch vụ này?
- Điểm cần lưu ý khi đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là bảo mật thông tin là vấn đề tiên quyết để người dân tin tưởng và thay đổi thói quen. Hiện nay, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn một số lỗ hổng làm lộ thông tin khách hàng hay tình trạng bỗng nhiên mất tiền trong tài khoản đang là nỗi lo cho nhiều người.
Vì vậy, bảo mật là yêu cầu tối quan trọng, không chỉ yêu cầu bảo mật cho tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tiền di động mà kể cả các cơ quan của Chính phủ, bệnh viện, trường học, để người dân tin tưởng giao dịch.
Nhìn rộng ra, tôi cho rằng ngành tài chính thế giới sẽ có những thay đổi lớn trong và sau dịch bệnh. Bởi vậy, Chính phủ phải yêu cầu các cơ quan áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt nắm bắt tình hình để có những thay đổi kịp thời về công nghệ, tăng cường bảo mật để đảm bảo vấn đề an ninh tiền tệ cho quốc gia, đồng thời thúc đẩy các phương thức thanh toán mới.
Theo ông, cần giải pháp gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam?
- Theo tôi, cần có một chương trình quốc gia giáo dục cộng đồng về thanh toán phi tiền mặt. Nhất là trong điều kiện Việt Nam mới có 60% người dân có tài khoản ngân hàng và có tới 80% giao dịch là tiền mặt thì một chương trình như vậy là rất quan trọng.
Như ở Mỹ, cách đây 20 năm, quốc gia này đã có chương trình giáo dục Money Smart - Chương trình giáo dục cơ bản về sử dụng phi tiền mặt.
Theo đó, Chính phủ Mỹ yêu cầu các ngân hàng, các trường học, phổ biến chương trình này, đào tạo người dân, đặc biệt là các học sinh sinh viên sử dụng các công cụ thanh toán phi tiền mặt. Hoạt động này đã rất hiệu quả trong việc tăng số lượng phần trăm công dân có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán phi tiền mặt.
Có thể thấy, giáo dục cộng đồng là một trong những biện pháp cần thiết để tuyên truyền, truyền thông về định hướng này.
Cũng có một thực tế hiện nay các ngân hàng đang đưa ra rất nhiều loại phí, khiến khách hàng ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng như: Phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền quá cao so với các thanh toán nhỏ lẻ...
Do đó, để có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, có thể xem xét giảm, điều chỉnh các loại phí một cách hợp lý.
Để đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để trình Chính phủ ban hành sớm, từ đó tạo điều kiện cho hệ sinh thái Fintech phát triển.
Tôi hy vọng, cùng với việc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, chậm nhất tới năm 2025, 80% dân số Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng và giao dịch bằng tiền mặt còn khoảng 40%.
Trân trọng cảm ơn ông!
TS Nguyễn Trí Hiếu: Muốn giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán cần phải có thời gian, khoảng 10 năm, trong đó chia ra mục tiêu cho các mốc 3 năm, 5 năm và 10 năm. Cụ thể, trong vòng 3 năm tới, nỗ lực giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của người dân từ khoảng 80% hiện tại xuống mức 70%, đến 5 năm giảm xuống mức 50% và 10 năm tới giảm xuống mức 20%.