Facebook, Google… đóng thuế mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng/năm
Chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số th...
Trong quãng thời gian từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021 Thu thuế qua các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới đạt hơn 5.000 tỷ. Cụ thể một số tập đoàn lớn như Facebook đã nộp thuế 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng.
Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài).
Hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh TMĐT là hoạt động kinh doanh TMĐT mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và TMĐT xuyên biên giới.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế TMĐT hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Đối với hoạt động TMĐT mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước, thực tế cho thấy hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT.
Các giao dịch diễn ra nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nên cơ quan thuế khó xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh. Còn đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Đặc biệt, ngành Thuế đã đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Đây được cho là giải pháp mạnh để chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Lê Xuân Trường - Nguyễn Hồng Phúc trong 1 bài viết đã nhấn mạnh rằng để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT cần tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề. Trước hết, Luật Thuế TNDN của Việt Nam quy định cơ sở thường trú được xác định là một cơ sở sản xuất, kinh doanh mà qua đó DN nước ngoài thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Ý tưởng tương tự như vậy cũng được quy định trong các hiệp định thuế song phương giữa Việt Nam và các nước. Cụm từ “cơ sở sản xuất, kinh doanh” cần được giải thích cụ thể gắn với một không gian cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng…
Điều này dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia hoạt động TMĐT và kinh doanh nội dung số sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, thời gian tới cần sửa đổi định nghĩa về cơ sở thường trú trong Luật Thuế TNDN.
Đồng thời, cần khẩn trương ký kết Hiệp định thuế đa phương để sửa đổi một số điều khoản của các hiệp định thuế song phương, trong đó có điều khoản về cơ sở thường trú. Một vấn đề khác là, cũng như các nước, thuế GTGT ở Việt Nam được đánh theo nguyên tắc điểm đến. Theo đó, đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc khi xác định đối tượng chịu thuế đối với một số sản phẩm vô hình và dịch vụ kỹ thuật số cung cấp trên mạng internet (trừ quảng cáo trên internet và đào tạo trực tuyến đã được quy định riêng). Điều này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế GTGT bao quát hết những sản phẩm, dịch vụ phát sinh.
Thêm vào đó, về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về thủ tục kê khai, nộp thuế GTGT và các sắc thuế tiêu dùng theo hướng có thể tính và thu thuế tự động, gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế cho phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh tế số.
Hệ thống tự tính thuế hiện hành với kỳ khai thuế theo tháng/quý nên tiếp tục duy trì là hệ thống bổ trợ song hành với hệ thống tính thuế tự động. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT, nhất thiết phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ.
Cụ thể, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với TMĐT. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế đối với TMĐT.