Monday, Oct 23, 02:10 PM

Giảm thuế để kích cầu

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% được đánh giá có hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Giảm thuế để kích cầu
Giảm thuế để kích cầu
giam-thue-de-k237ch-cau_1.jpg
Giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi. Ảnh: Quang Vinh.

Cần giải pháp về thuế để thúc tổng cầu

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất giảm thuế GTGT tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất trên; giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp nội dung đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT vì sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, DN trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn (số DN ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng đầu năm 2022); tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13.8%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75.5% dự toán năm. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Đánh giá về đề xuất giảm thuế GTGT 2%, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, đề xuất này của Bộ Tài chính đã thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm và kịp thời trên tinh thần kế thừa và tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa phục vụ mục tiêu điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế đã đạt được trong những năm qua.

“Đặc biệt đề xuất giảm thuế GTGT 2% cho 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu trọng tâm là đồng hành và hỗ trợ cộng đồng DN, người dân để tiếp tục ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trước bối cảnh kinh tế thế giới cũng như khu vực và Việt Nam có nhiều khó khăn, biến động” - ông Được nhấn mạnh.

Quyết liệt rà soát các chính sách

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu nhận định, khó khăn của DN hiện nay là những vấn đề về thị trường, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cả về vốn, vật lực, nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN cần những hỗ trợ để cầm cự, duy trì hoạt động tối thiểu, khi có cơ hội thì DN sẽ tiến lên.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng: giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).

Để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách giảm thuế GTGT 2% và không ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần tiếp tục rà soát, đôn đốc và quyết liệu thu nợ đọng thuế.

Giới chuyên gia cũng khẳng định, việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 thực sự rất quan trọng. Bởi, hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng tình hình DN còn khó khăn, dự báo trong những tháng cuối năm 2023 lũ lụt thiên tai ở các tỉnh miền Trung, lũ quét có thể xảy ra… Do vậy, cần tiếp tục tạo nguồn lực để DN phát triển. Thuế GTGT được cấu thành trong giá bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Việc giảm thuế GTGT 2% có nghĩa giá bán đó sẽ được giảm đi tương ứng với phần thuế giảm, khi thuế giảm thì chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cũng giảm theo. Khi đó, DN sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tạo thêm doanh thu, bản thân DN sẽ vượt qua khó khăn để giúp phục hồi, phát triển.

Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc giảm thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng đối với người tiêu dùng, vì việc giảm thuế GTGT cho các hàng hóa nghĩa là giá cả sẽ hạ xuống, người tiêu dùng sẽ được mua hàng hóa với giá rẻ hơn, từ đó người tiêu dùng tiết kiệm được tiền, họ sẽ tăng cường mua hàng hóa để thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng của xã hội tăng lên. Đối với DN, trong thời gian qua, việc giảm thuế GTGT sẽ có tác động nhiều chiều. Trước hết, thị trường xuất khẩu còn rất nhiều khó khăn khiến chúng ta phải quay lại với thị trường trong nước. Việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên, tạo điều kiện cho các DN tốt hơn. Bên cạnh đó, giảm thuế GTGT giúp chi phí đầu vào của DN cũng giảm, giá thành sản xuất cũng giảm theo, giúp DN chỉ cần chuẩn bị một lượng vốn ít hơn trước đây nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu vật tư hàng hóa như cũ. Như vậy, DN được lợi nhiều chiều từ chính sách này.

H.Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/giam-thue-de-kich-cau-5742008.html Copylink