Gỡ ách tắc cho mua bán online
Những ngày qua, lượng đơn hàng đặt online tăng cao, tuy nhiên, việc vận chuyển lại gặp khó khiến hàng hóa bị ùn ứ, đặc biệt với các vùng tâm dịch, hàng khó có thể vận chuyển đến tay người mua hoặc chậm hơn bình thường nhiều lần. Vậy giải quyết các...
Thương mại điện tử là một kênh quan trọng giúp cho các doanh nghiệp (DN) không bị bất động trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là cầu nối giữa người tiêu dùng và DN. Tuy nhiên, nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử bị hạn chế hoạt động khiến chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng nhiều thời điểm bị tắc nghẽn…
Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, số lượng đơn hàng đặt “online” ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là khi làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lượng đơn đặt mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, Shopee, Lazada... tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường.
Lượng đơn hàng đặt tăng cao, tuy nhiên, việc vận chuyển lại đang gặp khó khiến hàng hóa bị ùn ứ, đặc biệt với các vùng tâm dịch, hàng khó có thể vận chuyển đến tay người mua hoặc chậm hơn bình thường nhiều lần.
Theo đại diện của các sàn TMĐT, trong bối cảnh hiện nay, việc đưa hàng tới người mua gặp nhiều khó khăn khi các ứng dụng vận chuyển như NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) đều phải dừng hoạt động sau khi TP Hà Nội “siết” hoạt động của các nhân viên giao hàng, shipper công nghệ. Grab, Be, Ahamove, FastGo... đều đang phải dừng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy trong thời gian giãn cách.
Theo chia sẻ của chủ một cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội, hàng ngày ông nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt hàng giao tận nhà, tuy nhiên, khi đưa đơn hàng lên mạng để tìm các shipper thì không hãng vận chuyển nào nhận. “Các shipper đều từ chối, các hãng giao hàng đều tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách” – vị này cho biết.
Thực tế cho thấy, nhiều điểm giao nhận hàng hóa nằm trong khu vực phong tỏa khiến các sàn TMĐT thiếu điểm giao nhận hàng hóa. Đại diện sàn TMĐT Sendo, Voso phản ánh, các đơn vị cung ứng, vận tải trong quá trình giao nhận gặp khó, khi một số kho bãi nằm trong khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội nên không thể tập kết, phân luồng hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Ngoài ra, các đơn vị cung ứng, vận tải cũng gặp khó khăn trong việc giao vận như một số kho bãi nằm trong khu vực phong tỏa hay việc gia tăng đột biến nhu cầu cho một số loại hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Trước tình hình đó, một số sàn TMĐT như sàn TMĐT Sendo đã nhanh chóng làm việc cụ thể với nhiều đơn vị cung ứng khác nhau, đảm bảo có nguồn hàng thay thế khi cần.
Trước thực trạng trên, cuối tháng 7 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang TMĐT uy tín, đồng thời đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở ngành địa phương như Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế… xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận TMĐT ở các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. “Trong trường hợp cần thiết, thiết lập “Điểm tập kết hàng hóa” cho TMĐT ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa” – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất.
Cũng đồng tình với việc cần có giải pháp nhằm lưu thông hàng hóa để gỡ điểm nghẽn logistics TMĐT hiện nay, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng có những kiến nghị nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. VECOM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động, qua đó cũng giúp các sàn TMĐT phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.