Hà Nội phấn đấu quý IV tăng trưởng hơn 2,56%
Ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng đầu năm 2021, đánh giá về công tác phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách. Để bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, thàn...
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý III ước giảm 7,02%. Trong đó, dịch vụ giảm 8,18%; Công nghiệp và xây dựng giảm 6,76%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,39%; Thuế sản phẩm giảm 2,56%. Do quý I và quý II tăng khá nên lũy kế 9 tháng vẫn duy trì tăng trưởng 1,28%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 3,35%.
Tuy nhiên bên cạnh chỉ tiêu giảm, ông Tuấn cho biết, cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá như: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn 9 tháng ước đạt 177.363 tỷ đồng, bằng 75,3% dự toán Trung ương giao (70,6% dự toán của Thành phố), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, trong đó một số lĩnh vực sản xuất tăng cao như: Xe có động cơ tăng 16,8%; trang phục tăng 14%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%...
Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, trong 3 tháng còn lại của năm 2021, Cục Thuế Hà Nội sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, theo dõi sát sao hoạt động sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN). Ông Sơn lưu ý đến vấn đề tiếp tục đánh giá các tác động từ việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để dự báo mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Từ đó, chủ động xây dựng các kịch bản thu NSNN theo từng tuần, từng tháng, quý để kịp thời đề ra các giải pháp thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN của lãnh đạo các cấp, mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện Sở Công Thương đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương. Theo đó, với ngành công nghiệp, Sở sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện đôn đốc triển khai xây dựng 43 cụm công nghiệp; tập trung hỗ trợ 250-300 DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; công nhận 30 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; triển khai các chương trình khuyến công đã được phê duyệt.
Bà Lan cũng cam kết sẽ tiếp tục đảm bảo hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới, đảm bảo nguồn cung, sản xuất vụ đông. Triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; tăng tổng mức bán lẻ trong dịp cuối năm. Bên cạnh đó hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các DN xuất khẩu, DN FDI trên địa bàn thúc đẩy hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng thương mại; kết nối xuất khẩu, cung cầu qua các sàn thương mại điện tử; khởi động lại các trung tâm thương mại, chợ phải đóng cửa vì Covid-19. “Sắp tới Sở sẽ tăng cường kiểm tra DN sản xuất kinh doanh theo bộ tiêu chí an toàn mà Sở đang trình thành phố xem xét ban hành”- bà Lan cho hay.
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 và quý IV-2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý IV tăng trưởng hơn 2,56%. Theo đó, thành phố sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường. Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cử tri Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm sửa Luật Đất đai
Cùng ngày, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của 250 cử tri ở 32 điểm cầu các phường thuộc 3 quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Các cử tri kiến nghị, trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội nên quan tâm xem xét, sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, bởi Luật đang bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện tại, khiếu kiện ở cơ sở liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ việc. Theo cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), Hà Nội có nhiều diện tích đất nông nghiệp được dùng để xây nhà cho thuê, do đó, vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp như thế nào cần được Quốc hội đề cập trong sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.