Hết thời bảo hộ
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm rõ quy định áp giá sàn vé máy bay nội địa, trả lời cho chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính). Trước đó, ông Long có thư gửi ...
Ai cũng biết, lâu nay vì có nhiều hãng hàng không mới thành lập tham gia thị trường nên việc cạnh tranh về giá là đương nhiên. Chính vì có sự canh tranh nên giá vé máy bay đã có sự điều chỉnh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Song, cũng vì thế mà một số “ông lớn” mất thế độc quyền, không thể áp đặt giá theo ý muốn.
Đó là lý do mà rất nhiều lần Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phải áp giá sàn để khống chế các hãng hàng không khác, khiến họ không thể hạ giá vé máy bay xuống thấp. Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự “vòi vĩnh” trên là hơi quá khi Vietnam Airlines muốn đi ngược với quy luật tất yếu của kinh tế thị trường.
Chủ trương của Chính phủ trong nhiều năm qua là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế đất nước. Điều đó có nghĩa tôn trọng quy luật cung - cầu, hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào thị trường, trừ những mặt hàng nhạy cảm do Nhà nước quản lý.
Mặt khác, khi một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp tham gia vào thị trường cung ứng hàng hóa, buộc “anh” phải chấp nhận quy luật chi phối cung - cầu của thị trường. Có nghĩa “anh” sẽ phải cạnh tranh lành mạnh với những đơn vị khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Khi đó, dịch vụ của ai tốt, giá cả hợp lý sẽ lôi kéo được người tiêu dùng.
Còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm, khi đó chỉ có 2 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại di động là Mobifone và Vinaphone. Khách hàng lúc đó đã phải trả cước thuê bao và cước cuộc gọi rất đắt đỏ. Song, khi có thêm Viettel, Vietnammobile... tham gia thị trường, mọi người đã có sự lựa chọn dùng dịch vụ tốt và rẻ.
Trở lại câu chuyện Vietnam Airlines đòi áp giá sàn vé máy bay, trước mắt là các đường bay nội địa. Cùng hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, cớ sao các hãng chỉ muốn hạ giá để lôi kéo khách, trong khi Vietnam Airlines lại muốn giá cao? Cùng phải đầu tư máy bay, xăng dầu, dịch vụ mặt đất... lẽ nào các hãng khác không sợ lỗ?
Trước đây chỉ có mình Vietnam Airlines độc quyền, mọi người không phân định được phải áp mức giá vé máy bay bao nhiêu doanh nghiệp này mới không bị lỗ. Song, giờ chỉ cần nhìn vào các hãng hàng không khác sẽ thấy ngay việc Vietnam Airlines liên tục kêu lỗ và xin cứu trợ là sự vô lý.
Vì thế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép Bộ Giao thông vận tải áp giá sàn vé máy bay là hoàn toàn chuẩn xác. Để hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo chủ trương của Chính phủ thì không thể dung dưỡng cho cách suy nghĩ muốn được bao cấp, bảo hộ như vậy.
Đã đến lúc Bộ Giao thông vận tải nói riêng và các bộ, ngành khác nói chung cần phải kiên quyết nói không với những đòi hỏi vô lý, đi ngược với quy luật cung – cầu thị trường của những các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế thị trường như một dòng sông, doanh nghiệp nào bơi giỏi thì sẽ về đích, còn không sẽ bị ngộp giữa dòng. Cần phải bỏ cách nghĩ ỷ lại, trông chờ vào sự “ứng cứu” của Nhà nước, bởi đã hết thời bảo hộ.