HHV: Một công ty tài chính Mỹ đề nghị mua 5-10% cổ phần, muốn đầu tư vào công trình hạ tầng giao thông Việt Nam
Hiện tại đã có một công ty tài chính đến từ California (Mỹ) sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về các hoạt động đầu tư của Đèo Cả họ đã gửi tới lời đề nghị chính thức mua 5-10% cổ phần của HHV để trở thành cổ đông lớn. Mục đích của họ là tham gia vào công cuộc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Vinalog. Tổng giá trị chuyển nhượng theo thoả thuận giữa hai bên tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhưng giá trị chuyển nhượng tối thiểu của mỗi cổ phần không được thấp hơn 10.000 đồng/cp. Mục đích giao dịch theo HHV nhằm tạo nguồn vốn phục vụ cho HĐKD của Công ty.
Hiện, HHV cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu để đầu tư dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (hơn 20.000 ngàn tỷ đồng), dự án Hữu Nghị - Chi Lăng (khoảng 7.500 tỷ đồng), dự án Tân Phú Bảo Lộc (khoảng 16.500 tỷ đồng)…
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết thêm: "Khi làm việc với đối tác là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… họ đều có chung một quan điểm là muốn hợp tác với chúng tôi và trở thành một cổ đông chiến lược. Hiện tại đã có một công ty tài chính đến từ California (Mỹ) sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về các hoạt động đầu tư của Đèo Cả họ đã gửi tới lời đề nghị chính thức mua 5-10% cổ phần của HHV để trở thành cổ đông lớn. Mục đích của họ là tham gia vào công cuộc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam".
Được biết, giải pháp huy động vốn là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án trọng điểm. Trong đó, các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đang đề nghị với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư hạ tầng. Hoặc có thể chế để doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình để từ đó thu hút, huy động nguồn lực từ xã hội, người dân chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn từ các ngân hàng thương mại.
Mặt khác, tại dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), để giải quyết khó khăn về vốn, Đèo Cả đề xuất phương án áp dụng mô hình hợp tác kinh doanh (BCC) thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các nhà thầu thi công trong nước và quốc tế hoặc phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thu hút đầu tư.
Đây là bước đầu tiên để Đèo Cả có thể huy động vốn nước ngoài thông qua các hình thức như tăng vốn, trái phiếu, hợp đồng BCC đối với các nhà đầu tư, các định chế tài chính quốc tế… nhằm tối ưu hóa lợi nhuận khi thay thế dần các khoản vay tín dụng trong nước có lãi suất khá cao từ 11-12%/năm, cải thiện các chỉ số tài chính trong dài hạn.