Wednesday, Oct 23, 08:10 AM

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục lao dốc

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng giảm, mức cao nhất chỉ còn 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, còn gửi từ 1 đến dưới 6 tháng giảm còn khoảng 4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục lao dốc
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục lao dốc
l227i-suat-tiet-kiem-tiep-tuc-lao-doc_1.jpg
Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm.

Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm và về mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giới chuyên gia cho rằng sẽ có làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang lĩnh vực khác. Các ngân hàng thương mại vẫn chưa ngừng việc giảm lãi suất tiết kiệm. Thậm chí, lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống thấp nhất còn 4,7%/năm và không còn ngân hàng nào niêm yết trên 7%/năm.

Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) giảm mạnh lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, trong khi giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 18 - 60 tháng ở mức cao nhất 6,8%/năm. Trong đó, đáng chú ý, kỳ hạn 6 - 8 tháng giảm 1%/năm còn 5,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh 0,9%/năm còn 5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 10 tháng giảm 0,8%/năm xuống còn 5,5%/năm, trong khi kỳ hạn 11 tháng giảm 0,7%/năm xuống còn 5,6%/năm.

Tại VPBank, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Mức 5,1%/năm áp dụng kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng. Kỳ hạn từ 6 - 9 tháng cũng giảm còn 5,1%/năm.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là "big 4" gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất tiền gửi được giữ ổn định như tháng 9. Mức cao nhất là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 - 24 tháng. Còn mức lãi suất 4,5%/năm cho kỳ hạn 6 - 9 tháng. Kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng về mức 3%/năm.

Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm nhưng dòng vốn huy động tại các ngân hàng tiếp tục tăng trong 9 tháng qua. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Còn về cho vay, đến hết tháng 9, tín dụng ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 với tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỉ đồng. Tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong nước.

Còn về lãi suất đầu ra đã giảm, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1 - 1,5%/năm. Hiện mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn còn khoảng 5,5 - 7%/năm. Còn lãi suất cho vay trung, dài hạn những khoản cho vay mới là khoảng 8,5 - 10%/năm.

Riêng lãi suất của những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.

Như vậy, bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7/2023 đến nay, dòng tiền nhàn rỗi vẫn đang chảy vào hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới ghi nhận tình trạng huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Các năm trước, tăng tưởng tín dụng luôn cao hơn đáng kể so với huy động vốn.

An Bình
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lai-suat-tiet-kiem-tiep-tuc-lao-doc-5740300.html Copylink