Năm 2022, lạm phát từ 2 -3%
Sáng 4/1, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022. Theo dự báo, lạm phát năm 2022 dao động từ 2-3%, thấp hơn mức 4% Quốc hội đề ra.
Năm 2021, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát (cuối tháng 4/2021) tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021).
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Dự báo CPI năm 2022, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Bá Minh cho biết, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Minh, lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng. Bên cạnh đó, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu do thu nhập của người lao động bị sụt giảm. Với một số mặt hàng thiết yếu, dự báo, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định từ 65 đến 80 USD/thùng vì nếu giá dầu tăng mạnh thì Mỹ sẽ tăng nguồn cung dầu đá phiến và chiếm thị phần dầu của các nước OPEC và OPEC +, lúc đó OPEC và OPEC+ sẽ tăng nguồn cung và giá dầu sẽ giảm. Đối với giá thịt lợn, sau khi căng thẳng đã được giảm mạnh vào cuối năm qua, dự báo năm 2022, nguồn cung lợn hơi khá dồi dào và cũng sẽ ổn định ở mức giá 45- 60 nghìn đồng/kg, từ nay đến cuối năm 2022.
Vẫn theo Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý điều hành giá sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, chặt chẽ, gắn với chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng đồng tình với quan điểm, CPI năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức thấp. Bởi theo ông, mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.
“Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022, nếu có, sẽ đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, và giá dịch vụ. Về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 không lớn và chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm” - ông Độ cho hay.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn; khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, ông Thịnh cho rằng, đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Ngoài ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, tục giữ ổn định giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép. Trong khi đó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai toàn diện sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi); theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.