Ngân hàng nào có ROE cao nhất trong năm 2022?
Mặc dù chịu nhiều áp lực về lạm phát, tín dụng nhưng hầu hết các ngân hàng đều báo lãi
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022, dù chịu nhiều áp lực cũng như chịu ảnh hưởng bởi một số ngành liên quan nhưng nhiều nhà băng vẫn ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số; đạt lợi nhuận trị giá hàng tỷ USD, chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) vô cùng ấn tượng.
Thống kê sơ bộ từ báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2022 của 28 ngân hàng, tỷ lệ ROE chung của các ngân hàng trong năm 2022 ở mức 19,8%, tăng 1,6 điểm % so với năm trước.
Trong năm 2022, VIB là ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đứng đầu thị trường với ROE đạt 29,7%. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng 32% so với năm trước, đạt 8.468 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu tăng 34% từ 24.290 tỷ đồng lên 32.651 tỷ đồng.
Lý giải về tăng trưởng lợi nhuận và ROE trong kỳ, VIB cho biết ngân hàng đã đạt biên lãi ròng (NIM) 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và có nguồn vốn huy động trung dài hạn ổn định.
ACB vẫn duy trì ở top đầu những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao trên thị trường với mức 26,5%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Trong năm 2022, hoạt động chính của ACB tăng 24%, thu về 23.534 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Ở vị trí tiếp theo là MB với ROE ở mức 24,6%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021.
Mặc dù là "quán quân" về lợi nhuận trước thuế trong ngành ngân hàng với hơn 37.358 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021, tuy nhiên, chỉ số ROE của Vietcombank chỉ xếp ở vị trí thứ 4 với 24,2%.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, BIDV cũng lọt vào top 10 với ROE là 19,4%. BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 23.057 tỷ đồng, tăng 70,2% so với năm trước.
VietinBank cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đề ra với lợi nhuận trước thuế hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. Nhà băng này có ROE là 16,8%, đứng ở vị trí thứ 15.
Hiện, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phượng, Agribank đã cơ bản hoàn thành kế hoạch được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, ước tính vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Một số nhà băng có ROE thấp nhất trong danh sách gồm Ngân hàng Bản Việt (1,7%); Saigonbank (5%), BaoVietBank (1,9%) và NCB.
Xét chung trong năm 2022, hầu hết các nhà băng đều có lợi nhuận tăng ấn tượng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt 14,5%, cao hơn mức đạt được của năm 2021 là 13,61%.
Một số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tích cực năm 2022 có thể kể đến như BIDV (70%), LienVietPostBank (56%), SeABank (55%), SHB (54%), VPBank (48%), Viet Capital Bank (46%)... Đáng chú ý, Eximbank có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 3 chữ số từ mức 1.205 tỷ đồng năm 2021 lên 3.709 tỷ đồng năm 2022, tương ứng tăng 208%.
Theo một số chuyên gia, mức lợi nhuận ngành ngân hàng từ quý cuối 2022 đã có sự phân hóa, đến năm 2023 sẽ còn rõ nét hơn.