Ngân hàng Nhà nước quản lý vay qua app như thế nào?
Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội về cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng kho...
Không vay nợ nhưng bị gọi điện xúc phạm, bôi nhọ
Thực trạng trên đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang web hoặc vay app mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngang hàng vì vừa qua Công an TP Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua app lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Thống đốc nêu biện pháp xử lý, hạn chế việc người dân dù không vay nợ cũng bị gọi điện xúc phạm và việc lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, Facebook?
Trả lời về vay qua app, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Hoạt động này đã xuất hiện ở Mỹ và Anh cách đây 10 năm, sau đó những năm gần đây lan sang các nước châu Á. Riêng ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ, ban, ngành để nghiên cứu. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo nghị định về hoạt động này để có hành lang pháp lý cho hoạt động lành mạnh, an toàn hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh.
Trả lời đại biểu Thịnh, bà Hồng cũng cho biết: Với sự phát triển của khoa học công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước đã tạo tiền đề để ngân hàng số trong tương lai cho phép mở tài khoản ngân hàng qua điện tử và xác thực qua điện tử. Thực tế cá nhân có tài khoản đều phải xác thực định danh của mình như chứng minh nhân dân và căn cước công dân.
Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo để lấy thông tin chủ tài khoản, sau đó vào Internet banking để lấy cắp thông tin, tiền trong tài khoản. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước phải cùng với cơ quan chức năng xác minh và có giải pháp để cảnh báo người dân.
“Còn về việc các công ty tài chính đe dọa đòi nợ thì Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay đối với các công ty tài chính đã có những chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ theo hướng đe dọa và quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9-21h” - bà Hồng cho hay.
“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến nhiều hệ lụy; nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ như mong muốn. Trong khi đó, mục đích quản lý của nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Bong bóng bất động sản cũng là vấn đề đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?
Trả lời chất vấn của đại biểu, bà Hồng cho biết: Cho vay lĩnh vực bất động sản có nhiều rủi ro, vì vậy, để ngăn rủi ro, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. “Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ”- bà Hồng nói.
Ngay sau khi nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển.
Chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể “giật cục” mà phải nhất quán, thông suốt.