Ngăn chặn rửa tiền qua ví điện tử, thẻ tín dụng
Hiện nay nhiều ngân hàng, công ty tài chính đã chuyển đổi số mạnh mẽ, các giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng cao. Tuy nhiên, khi giao dịch điện tử tăng nhanh cũng tiềm ẩn nguy cơ bị tội phạm lạm dụng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
Ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Theo ông Phong, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền bao gồm quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và pháp luật chuyên ngành đã có đủ các quy định để phòng, chống tội phạm rửa tiền, bao gồm cả hoạt động rửa tiền thông qua ví điện tử, thẻ tín dụng ngân hàng.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, Cục Phòng chống rửa tiền đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo NHNN ban hành các văn bản cảnh báo, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán về các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các ví điện tử, thẻ tín dụng ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rửa tiền, kịp thời báo cáo cho Cục Phòng chống rửa tiền khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động tội phạm.
Cục Phòng chống rửa tiền cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền (đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công an) trong chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ, trao đổi thông tin để phục vụ công tác xem xét, xác minh, thanh tra, kiểm tra, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến ví điện tử, thẻ tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền, NHNN đang là đầu mối kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật Phòng chống rửa tiền, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi.
PV: Thưa ông, việc thực hiện định danh khách hàng hiện nay chưa được nghiêm ngặt, dẫn tới tình trạng tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng rác tràn lan, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng phục vụ các hoạt động vi phạm pháp luật như rửa tiền, tài trợ khủng bố. Vậy theo ông, làm sao để ngăn chặn việc này?
Ông Phạm Tiên Phong: Thời gian qua, Cục Phòng chống rửa tiền đã nhận được những báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hành vi sử dụng giấy tờ giả khi mở ví điện tử, thẻ ngân hàng (dùng CMTND, CCCD giả, sim rác) và đã báo cáo các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có các văn bản yêu cầu các TCTD kiểm tra thông tin cá nhân khách hàng, nếu phát hiện chứng minh nhân dân/căn cước/hộ chiếu/visa, hồ sơ, chứng từ có dấu hiệu giả mạo… cần thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan Công an trên địa bàn, nơi phát sinh giao dịch), đồng thời báo cáo NHNN theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 33 và Khoản 2 Điều 26 Luật phòng, chống rửa tiền.
Với việc Bộ Công an hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức báo cáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận biết, xác minh thông tin khách hàng để phát hiện các hành vi làm giả giấy tờ nhằm thực hiện hành vi phạm tội.
Ông có thể cho biết pháp luật quy định cụ thể như thế nào đối với các trường hợp lập tài khoản đứng tên mình nhưng lại bán cho người khác, hoặc cho người khác mượn?
- Theo quy định tại điểm h, khoản 2 Điều 5 về Quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ: “Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình”. Như vậy, việc người dân mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, sau đó bán cho các đối tượng khác là vi phạm pháp luật.
Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động thanh toán được quy định tại Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 26 quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán.
Trân trọng cảm ơn ông!
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng nhà nước đang là đầu mối kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật Phòng chống rửa tiền, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi.