Friday, Jun 23, 02:06 PM

Nở rộ hình thức mua bán, thuê mướn tài khoản ngân hàng

Không ít người thiếu hiểu biết về pháp luật đã bị những đối tượng lôi kéo, dụ dỗ thuê mướn thông tin, giấy tờ tùy thân cá nhân để đăng ký mở tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo trên không gian mạng.

Nở rộ hình thức mua bán, thuê mướn tài khoản ngân hàng
Nở rộ hình thức mua bán, thuê mướn tài khoản ngân hàng
no-ro-h236nh-thuc-mua-b225n-thu234-muon-t224i-khoan-ng226n-h224ng_1.png
Ảnh minh họa.

Gián tiếp tiếp tay cho đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, không ít đối tượng đã tổ chức lôi kéo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về pháp luật để thuê mướn thông tin, giấy tờ tùy thân cá nhân nhằm mục đích đăng ký mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc lừa đảo trên không gian mạng.

Dạo quanh một vòng các nền tảng mạng xã hội, không ít bài đăng có nội dung về việc thu mua, thuê mướn  thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng với giá từ 400.000 - 1.000.000 đồng.

Có trường hợp đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để làm giả CMND/CCCD phục vụ cho việc đăng ký mở tài khoản với mục đích lừa đảo.

Những người được thuê mở tài khoản tại ngân hàng, đa phần do khó khăn và không biết việc mở tài khoản để bán hay cho thuê là hành vi vi phạm pháp luật. Khi có những vụ việc lừa đảo xảy ra, qua xác minh, làm việc thì chủ đăng ký tài khoản mới nhận biết được là đối tượng thay đổi hình ảnh trên CCCD/CMND để đăng ký; hoặc người bị sử dụng thông tin cá nhân chưa từng sử dụng tài khoản ngân hàng đó lần nào.

Theo tìm hiểu của PV, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, bên cạnh những mạng xã hội truyền thống, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng những nền tảng mang tính bảo mật, ẩn danh cao như Telegram, WhatsApp để liên lạc, trao đổi mua bán tài khoản ngân hàng.

Bởi lẽ, sau khi giao dịch, toàn bộ nội dung liên lạc trên các nền tảng này có thể được các đối tượng xoá 2 chiều, không để lại bất cứ dấu vết nào.

Không những vậy, đối tượng lừa đảo không bao giờ gặp mặt trực tiếp để trao đổi, mà thường yêu cầu người cho thuê, bán tài khoản phải gửi qua bưu điện hoặc xe khách đến địa điểm mà đối tượng lừa đảo cung cấp.

Đáng chú ý, từ những vụ án lừa đảo trên không gian mạng gần đây, có thể thấy, phần lớn các đối tượng chủ mưu các đường dây lừa đảo là người nước ngoài câu kết với các đối tượng người Việt Nam, để tìm người cung cấp số tài khoản dùng làm phương tiện nhận tiền lừa đảo.

Đơn cử như cuối tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố bị can, tạm giam đối tượng Hoàng Văn Nghĩa (34 tuổi, trú tại phố Giữa, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Nghĩa được một người phụ nữ có tên là Sofia, tên tiếng Việt là Ngọc, sống ở Philippines, liên lạc qua ứng dụng Telegram, nhờ mở một số tài khoản ngân hàng và sẽ trả tiền công 100 USD/tài khoản/tháng.

Nghĩa đã thuê, thu mua trên 50 tài khoản của những người thân quen sinh sống tại Cao Bằng, Bắc Kạn và sử dụng trên 100 tài khoản khác nhau.

Cơ quan Công an xác định, từ tháng 11/2022 - 4/2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này hơn 978 tỷ đồng. Sau khi trừ tiền thuê tài khoản, hàng tháng Nghĩa hưởng lợi từ Ngọc từ 60 - 70 triệu đồng/ tháng.

Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng là vi phạm pháp luật

Liên quan đến những hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, mua bán, mở hộ tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để triển khai kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Dự kiến cuối năm nay sau khi kế hoạch khai thác dữ liệu dự hoàn tất thì tất cả tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip.

Đáng chú ý, các giao dịch tại quầy và thanh toán online dự kiến cũng bắt buộc phải xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip, góp phần giải quyết vấn nạn cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng.

Trong một số trường hợp, việc cho các đối tượng thuê, mượn, tài khoản hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và cho thuê có thể dẫn tới việc gián tiếp tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo, khi có ai đó nhờ đăng ký mở tài khoản, thuê mở tài khoản thì người dân cần tỉnh táo, cảnh giác. Nếu phát hiện mình bị lừa, cần thông tin ngay tới cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời.

Hành vi “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” có thể bị xử phạt từ 40 - 100 triệu đồng theo khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng với mức phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm (Điều 291 - Bộ luật Hình sự).

Văn Thanh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/no-ro-hinh-thuc-mua-ban-thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-5719467.html Copylink