Saturday, Aug 21, 07:08 AM

Nới thời gian trả nợ cho khách hàng

Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng.

Nới thời gian trả nợ cho khách hàng
Nới thời gian trả nợ cho khách hàng

Ồ ạt xin ngân hàng hỗ trợ

Hồi cuối năm 2019, anh Nguyễn X.D. (Cầu Giấy, Hà Nội) vay vốn ngân hàng theo hình thức trả góp mua một chiếc xe ôtô trị giá gần 600 triệu đồng để làm nghề taxi. Mỗi tháng, anh D. phải trả cho ngân hàng 10 triệu đồng cả gốc và lãi.

Tuy nhiên, chưa được bao lâu, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế, thu nhập của anh D và gia đình đều giảm sút, khoản tiền trả nợ hàng tháng trở nên vô cùng khó khăn. Đỉnh điểm là từ tháng 5/2021 đến nay, khi dịch tái bùng phát với cấp độ mạnh hơn, nguồn thu nhập của gia đình sụt giảm, 3 tháng nay anh D. chưa trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Anh D đã làm đơn xin gia hạn nợ cho đến khi dịch được khống chế.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra với quy mô cũng như mức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu tình hình tiếp tục khó khăn sẽ đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.

Ông Anh đề nghị, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu. Đồng thời, giảm lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.

Thực tế thì từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng cũng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng. Chị Nguyễn Dương ở Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết chị mua nhà chung cư 70 m2 từ năm 2019,  vay ngân hàng 600 triệu đồng trong 20 năm. Giai đoạn trước dịch, lãi suất chị phải trả khoảng 10%/ năm, tính ra tiền lãi và gốc mỗi tháng trả cho ngân hàng khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, ngân hàng đã giảm lãi suất cho chị về mức hơn 7%, tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng hơn 7 triệu đồng/tháng. “Trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng như thế là tốt rồi”, chị Dương chia sẻ.

Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng.

Thêm 6 tháng để trả nợ

NHNN đánh giá, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, với phạm vi, mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Chính vì vậy, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 được đưa ra theo hướng khách hàng được cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022.

Trong khi Thông tư 03 hiện hành chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 30/6/2020 và chỉ được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2021.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, Dự thảo Thông tư sửa đổi sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ thở hơn, OCB sẽ căn cứ theo thông tư sửa đổi để tiến hành cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện nay ngân hàng đang trong cảnh “ném đá dò đường”, chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Trước mắt, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính đánh giá đây là một quyết định đúng đắn nhằm hỗ trợ DN, người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Chính sách này sẽ giúp giảm chi phí vốn vay cho các DN, từ đó làm giảm chi phí đầu vào.

Còn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận: Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp là tốt nhưng cũng cần lưu ý đến việc doanh nghiệp có được vay mới hay không? Chẳng hạn, với những doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh tốt, nguồn hàng bị tắc nghẽn do dịch khiến dòng quay vốn chậm dù năng lực sản xuất tốt… thì ngân hàng nên có giải pháp như không bắt buộc phải có tài sản đảm bảo mới cho vay. Các ngân hàng nên đồng ý cho doanh nghiệp thấu chi trước một khoản để kịp thời có nguồn tiền quay vòng sản xuất. Đó mới là điều doanh nghiệp cần.  

Nên có cơ chế khoanh nợ cho doanh  nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng ở mức cao nhưng cũng có “phần ảo” do nợ xấu tiềm ẩn, có thể làm đảo ngược bức tranh lợi nhuận. Vì thế, cơ quan quản lý nên có cơ chế khoanh nợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện không hề dễ, bởi việc khoanh nợ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, nên giải pháp trước mắt là các ngân hàng phải chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro. Hiện nhiều ngân hàng đã đề nghị giãn thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu trong vòng 5 năm, thay vì 3 năm như quy định hiện hành. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nghiên cứu thêm các gói hỗ trợ mới, trong đó có các gói hỗ trợ tín dụng bằng cơ chế cấp bù lãi suất, chỉ áp dụng trong thời hạn 1 năm với các tiêu chí rõ ràng. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến lãi suất cho những khoản vay mới và cũ cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và kiến nghị áp dụng.

h21798-h21798ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/noi-thoi-gian-tra-no-cho-khach-hang-5663685.html Copylink