Phải để thị trường cạnh tranh lành mạnh
Giảm thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu ở mức nào là hợp lý, điều này cần phải cân đối trên nhiều mục tiêu và nguyên tắc. Trong đó, tác động thu ngân sách thế nào để đảm bảo hàng hóa không bị tăng quá cao... Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh P...
Thưa ông, để hạ nhiệt giá xăng, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 500- 1.000 đồng/ lít, trong khi đó cộng đồng doanh nghiệp (DN) lại mong giảm 2.000 đồng/ lít. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
TS Nguyễn Minh Phong: Để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, phương án giảm thuế phí ở mặt hàng xăng dầu đã được tính đến. Mới đây theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất giảm 500 - 1.000 đồng/ lít thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính cũng đưa ra mức giảm giá xăng tương đương nếu áp dụng giảm mức thuế, phí đó. Trong khi đó Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn nâng mức giảm thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu lên 2.000 đồng/lít.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc giảm thuế dựa trên 2 nguyên tắc và mục tiêu. Đầu tiên là việc giảm thuế tác động đến thu ngân sách như thế nào, việc giảm thuế được áp dụng để đảm bảo giá cả hàng hóa không leo thang quá nhanh và cuối cùng là giảm thuế để định hướng người tiêu dùng. Các mục tiêu và nguyên tắc này xung đột nhau, nên muốn hài hòa, cần phải cân nhắc kỹ.
Điểm quan trọng nữa là Bộ Tài chính cần phải tính toán rất rõ rằng, khi giảm thuế Bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/ lít thì ngân sách hụt bao nhiêu. Khi giảm 2.000 đồng/ lít ngân sách hụt thu bao nhiêu và nếu giảm 3.000 đồng/ lít, 4.000 đồng/ lít, ngân sách hụt thu bao nhiêu. Nhưng con số hụt thu này cần phải tính cân đối với các nguồn thu khác, chứ không thể tính riêng lẻ.
Tức là, giảm thuế thì giảm thu, nhưng một số DN vận hành dễ hơn, bù lại ngân sách như thế nào. Điểm này thì Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu hơi ít. Nên có lẽ mức 2.000 đồng/lít xăng là cân bằng, hài hoà cho cả cơ quan quản lý và cả DN.
Thưa ông, khi giá xăng dầu thế giới leo thang không ngừng, có giải pháp nào để bình ổn thị trường xăng dầu nội địa?
- Giải pháp cần làm đó là đảm bảo cho thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh. Từ năm 2009, Chính phủ chủ trương điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng dầu. Thực tế, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường do chưa có cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ. Về cơ bản, giá xăng dầu được phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền.
Khi thấy giá xăng dầu trong nước vận hành theo thị trường, người dân sẽ không còn băn khoăn. Có điều ở đây, người dân thấy rằng, giá xăng dầu được điều chỉnh mà có đan xen mục tiêu của DN nên mới bức xúc. Đó còn chưa kể các DN ăn theo như vận tải, đường biển cũng lấy cớ xăng tăng giá để tăng giá cước.
Khi giá xăng dầu thực sự tuân theo diễn biến thị trường, trở nên minh bạch và dễ dự báo hơn, tạo sự đồng thuận và hiệu quả xã hội cao hơn thì việc giá lên hay xuống không cần phải can thiệp nhiều.
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong cạnh tranh là phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng về giá. Nghịch lý cho thấy, mặc dù giá vốn của các DN đầu mối nhập khẩu khác nhau; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện kinh doanh; lãi, lỗ của các DN cũng khác nhau, nhưng trên thực tế, hệ thống phân phối bán lẻ của nước ta vẫn là hệ thống cửa hàng “một giá”.
Như vậy, các DN không có sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu. Điều này đã làm triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các DN trên thị trường xăng dầu của Việt , gây tác động tiêu cực đến lợi ích của người tiêu dùng.
Ông có nhận thấy việc lạm dụng công cụ thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, thưa ông?
- Thuế được xem là một công cụ điều tiết kinh tế của Nhà nước nên cũng có thể dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu. Nhưng hiện nay mức giảm 1.000 đồng hay 2.000 đồng/lít xăng khi giảm thuế ở mức tương ứng cũng không thấm vào đâu bởi vì giá xăng dầu sẽ còn biến động.
Về lâu dài tôi vẫn khẳng định rằng, phải để cho thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, tức là phải có lên có xuống theo diễn biến của thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!