Saturday, Mar 23, 07:03 AM

Quan hệ cộng sinh

Đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng, nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ... Đó là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong mối liên hệ ngân hàng - doanh nghiệp. Cùng đó, NHNN yêu cầu các chi nhánh phải lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về việc vay vốn.

Quan hệ cộng sinh
Quan hệ cộng sinh

Công văn số 953 của NHNN còn yêu cầu chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) tại các địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đáng chú ý, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh phải nắm rõ thông tin về các DN không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (DN không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay) và nguyên nhân không tiếp cận được. Các tổ chức tín dụng phải tăng cường minh bạch thông tin tín dụng, công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; hướng dẫn khách hàng vay để khách hàng hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa DN và ngân hàng mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên. Ðối với ngân hàng, việc duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng sẽ giúp ngân hàng có nhiều thông tin về khách hàng, làm giảm rủi ro trong hoạt động tín dụng. Từ lâu, người ta đã xác định đó là mối quan hệ cộng sinh, có nghĩa là dựa vào nhau để cùng thắng.

Vẫn biết là thế nhưng không phải lúc nào dòng vốn từ ngân hàng cũng chảy vào DN một cách thông thoáng, nhất là với cộng đồng DN nhỏ và vừa khi mà họ khó lòng đáp ứng được các điều kiện từ phía ngân hàng; đặc biệt là vấn đề thế chấp, hay là chứng minh các kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình chắc chắn sẽ thành công.

Trong bối cảnh đó, nói như TS Trần Du Lịch thì, đã tới lúc các ngân hàng đặt niềm tin nhiều hơn vào DN. Ông Lịch nhận xét, nhiều DN khó khăn, vay được vốn ngân hàng đều tập trung làm ăn, trả nợ sòng phẳng. “Đã qua cái thời nhìn mặt cho vay và không phải cứ tập đoàn, công ty lớn vay vốn ngân hàng thì sẽ sử dụng hiệu quả” - ông Lịch nói.

Đáng tiếc là những kiến nghị, kiến giải như vậy đặt ra đã khá lâu nhưng tới nay dường như vẫn tắc. Tất nhiên, ngân hàng cũng là DN nên đương nhiên phải bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay, nhưng nếu siết quá e rằng đã “quên mất” khái niệm cộng sinh.

Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN rất thiếu vốn để hồi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, nhiều DN đã phải rời khỏi thương trường. Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51,4 nghìn DN rút lui khỏi thương trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; 37,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trở lại với chỉ đạo của Thống đốc NHNN với các chi nhánh phải đối thoại trực tiếp với khách hàng; lập đường dây nóng nhằm nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Cộng đồng DN hy vọng điều đó sẽ được hiện thực hóa để mối quan hệ cộng sinh thực sự hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Tất nhiên, ngân hàng vẫn là “cửa trên” nên cần đi những bước đầu tiên.

Ngọc Mai
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/quan-he-cong-sinh-5712605.html Copylink