Siết hay buông với ‘3 tại chỗ’?
Duy trì sản xuất bảo đảm nguyên tắc “3 tại chỗ” được xem là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp (DN) trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, sau khi triển khai, hoạt động “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bộc lộ nhiều bất cập khiến ...
Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng Khu công nghiệp, DN lớn nhất nước ta. Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản yêu cầu các DN trên địa bàn tỉnh triển khai một trong 3 phương án là: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả 2 phương án này. Tính đến nay, tỉnh có gần 1.150 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với khoảng gần 130.000 người lao động tham gia sản xuất. Hơn hai tuần sau khi triển khai, tại nhiều DN “3 tại chỗ” đã bộc lộ một số bất cập, khiến cho công tác phòng chống dịch tại địa phương này thêm phần khó khăn.
Ghi nhận tại huyện Nhơn Trạch cho thấy, hiện địa phương này có gần 330 DN thực hiện “3 tại chỗ”. Theo thống kê ban đầu có khoảng trên 40 DN đã xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2. Điển hình như Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Việt Nam và Công ty TNHH Action Composites. Cả hai DN này được đánh giá đều là 2 ổ dịch lớn trên địa bàn huyện. Với việc để dịch Covid-19 lây lan trong công ty khi đang triển khai sản xuất “3 tại chỗ” 2 công ty này buộc phải tạm ngưng sản xuất theo chỉ đạo của tỉnh nhằm tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, việc xuất hiện ca nhiễm trong các DN “3 tại chỗ” là rất nguy hiểm. Không chỉ ở những DN có số công nhân lớn, mà ngay cả những DN có số lao động giao động từ 100-200 người có thực hiện “3 tại chỗ” cũng đã ghi nhận các trường hợp dương tính với Covid-19.
“Vừa rồi đã xuất hiện các ổ dịch có số ca dương tính Covid-19 khá lớn trong các DN nhỏ ngoài khu công nghiệp ở các phường Tam Phước, Hố Nai, Long Bình Tân của TP Biên Hòa và xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Các DN này vẫn thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng bản chất là các cơ sở sản xuất nhỏ theo hình thức nhà xưởng, hoạt động thủ công. Công nhân ở tập thể trong lán trại tạm bợ, mất vệ sinh, không đủ các điều kiện để phòng chống dịch”- ông Vũ cho biết.
Ông Đặng Đình Mười, có 25 năm kinh nghiệm setup DN liên doanh chia sẻ, việc triển khai “3 tại chỗ” là giải pháp hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng nếu kéo dài thì phương án này sẽ phát sinh nhiều bất cập.
“Khó khăn lớn nhất chính là doanh nghiệp đang phải chịu một khoản chi phí rất lớn. Trong khi đó, về mặt sản xuất thì nó là một chuỗi quá trình, từ khâu đầu vào tới chế biến, sản xuất, vận chuyển… không thể tránh khỏi việc tiếp xúc. Chỉ cần một ca F0 là DN sẽ thành ổ dịch”- ông Mười nói.
Ông Đặng Trần Hoàng Thụy- Giám đốc Công ty TNHH TMSX Thiên Triều An, (Biên Hòa) khẳng định: “Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động là việc cần làm lúc này. Ngay từ đầu, DN đã đăng ký tiêm vaccine cho người lao động, kể cả tiêm có phí. Vì chỉ có tiêm vaccine, người lao động mới ổn định được tâm lý, việc phòng dịch cũng sẽ tốt hơn, miễn dịch cộng đồng cũng cao hơn. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, trong khi DN của tôi phải đóng cửa vì không thể đáp ứng nổi phương án “3 tại chỗ”.
Với những bất cập trong bối cảnh số ca nhiễm đang có xu hướng lây lan trong các DN “3 tại chỗ” ngày càng tăng, tỉnh Đồng Nai đang đứng trước những khó khăn trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Từ chỗ được xem là cứu cánh, nguyên tắc “3 tại chỗ” cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng, qua đó đưa ra những quy định phù hợp với tình hình thực tế, để DN không rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như bây giờ.