Monday, Oct 22, 07:10 AM

Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Dù cơ quan quản lý là Bộ Tài chính khẳng định không siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhưng giới chuyên gia vẫn lo ngại các quy định chặt chẽ sẽ khiến DN khó phát hành trái phiếu trong thời gian tới.

Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp
siet-ph225t-h224nh-tr225i-phieu-doanh-nghiep_1.jpg
Siết trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để phát triển công cụ vốn dài hạn ổn định.

Tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh tra

Trrước những rủi ro của thị trường TPDN các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra. Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết từ tháng 10/2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra đối với 21 công ty chứng khoán và 9 tổ chức phát hành. Trong đó, có nội dung thanh, kiểm tra liên quan đến việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 153. 

Kết quả, đối với 21 công ty chứng khoán (gồm 7 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra định kỳ và 14 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra đột xuất), có 6 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ.

Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ, chung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép; đã xử phạt 250 triệu đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về việc mua lại trái phiếu trước hạn, đã xử phạt 50 triệu đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vi phạm quy định cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN. 

3 công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Everest, Chứng khoán KIS Việt Nam và Chứng khoán An Bình bị kiểm tra đột xuất liên quan đến vụ việc Tân Hoàng Minh cũng phát hiện các hành vi vi phạm không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được; đồng thời vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Để nắn thị trường TPDN vào khuôn khổ, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế được ra đời.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng không hề thắt chặt điều kiện phát hành TPDN mà chỉ bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo để tăng cường tính minh bạch của trái phiếu phát hành. Những quy định nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, hạn chế nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp nhằm góp phần nâng tính công khai, minh bạch của thị trường, làm thị trường tốt hơn. Đó mới là nội dung hướng tới trong việc phát triển thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung.

Nghị định này cũng đã kế thừa quy định cho phép DN phát hành để cơ cấu lại nợ. Quy định này phù hợp vì thị trường vốn còn quy mô nhỏ, DN phát hành kỳ hạn dài rất khó, trong khi dự án thì thường triển khai trong thời hạn dài. Do vậy, việc phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ của đợt phát hành trước gắn với dự án là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Căn cứ Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP thì DN vẫn có thể tiếp tục huy động vốn thông qua kênh phát hành TPDN riêng lẻ theo quy định, đặc biệt là các DN có tính tuân thủ cao, công bố thông tin minh bạch, đầy đủ và đặc biệt là các DN có tình hình tài chính tốt, sản xuất kinh doanh tốt, có phương án phát hành trái phiếu khả thi, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã làm rõ, minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành trái phiếu, xác định rõ ràng, minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể khi phát hành TPDN.

Yêu cầu chặt hơn về hồ sơ chào bán

Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law nhận định, với các quy định mới, chỉ nhà phát hành thực sự có năng lực mới có thể phát hành trái phiếu, song các quy định này là cần thiết để minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.

Vị luật sư này phân tích, đối với DN phát hành trái phiếu, Nghị định 65/2022/NĐ-CP không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Do đó, nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu. Cùng với đó là quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các nhà đầu tư chủ động nắm bắt thông tin về DN và dự án mà mình đang đầu tư.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã siết chặt việc phát hành TPDN không chỉ từ giai đoạn nộp hồ sơ, công bố thông tin… mà còn quy định thêm cả quyền biểu quyết và thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành, từ đó giúp bảo vệ tốt nhất nhà đầu tư, hạn chế được những rủi ro cho nhà đầu tư khi mua TPDN.

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá: Nghị định 65 có các quy định khá tương đồng với thông lệ quốc tế, trong đó có cả việc nhà đầu tư cá nhân bị thu hẹp. Với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu chỉ khoảng 30%/năm thì chỉ khoảng 6 năm sau dư nợ của thị trường sẽ khoảng 11,6 triệu tỷ đồng. Tức là rất lớn và gần như thay thế được vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng. Do đó, tập trung hoàn thiện nền tảng pháp lý, phát triển các định chế trung gian là rất cần thiết để phát triển vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khu vực phát hành trái phiếu DN riêng lẻ có thể sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển hẳn khu vực phát hành sang công chúng. Đó cũng là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt.

T.Hằng-M.Sang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/siet-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-5698243.html Copylink