Wednesday, Sep 21, 08:09 AM

Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’

Dẫu phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’
Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký thêm (gần 5 tỷ USD) tăng 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỷ USD). Nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là 2.720 lượt, tổng giá trị xấp xỉ 2,81 tỷ USD.

Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng năm 2021. Về địa bàn thu hút vốn FDI, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, trong đó có dự án điện lên tới 3,1 tỷ USD. Mặc dù TP HCM là “điểm nóng” của đại dịch Covid-19, song vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút FDI. Theo đó, TP HCM đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; thành phố dẫn đầu cả nước về số dự án mới khi chiếm tới 34%. Đứng vị trí thứ 3 là Bình Dương, với gần 1,7 tỷ USD vốn ngoại rót vào địa phương. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “FDI đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của Việt Nam khi đóng góp từ 70-80%  xuất khẩu. Không có sự đóng góp mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) FDI, xuất khẩu sẽ bị khủng hoảng. Do đó trong thời điểm hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ để “giữ chân” những DN FDI ở lại Việt Nam thông qua chính sách giãn, hoãn thuế cho các DN FDI. Đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần “tiếp sức” hỗ trợ trực tiếp cho các DN FDI để họ an tâm duy trì hoạt động sản xuất ở Việt Nam”.

Ông Hiếu đưa ra dẫn chứng: “Dù dịch bệnh song thị trường nhập khẩu của Mỹ vẫn đang tăng trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam”. Do đó ông Hiếu khuyến nghị, nếu duy trì được xuất khẩu thì chúng ta vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng. Khi các DN FDI có “đầu ra” thì và họ sẽ yên tâm ở lại với Việt Nam. Do đó trong lúc này, sự cam kết từ phía Chính phủ sẽ cho họ cảm thấy yên tâm. Các chính sách hỗ trợ cho các DN FDI lúc này sẽ là cách để “giữ chân đại bàng”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài chính cũng cho rằng: Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương song bức tranh nền kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI. Do đó để duy trì đà thu hút vốn FDI, Việt Nam cần sớm kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Song song với đó, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư thì thời gian tới cần xác định những nhóm ngành, lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư có lợi thế.

Còn ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, “Nhiều ý kiến lo ngại, sẽ có một số DN rời khỏi thị trường Việt Nam nhưng tôi cho rằng, có thể có nhưng số lượng không nhiều, và đó là yếu tố khách quan, do dịch bệnh Covid-19. Do đó mục tiêu hàng đầu là phải kiềm chế, khống chế dịch bệnh để “giữ chân” các DN FDI đang ở trong nước cũng như thu hút thêm các nguồn lực từ bên ngoài vào”-ông Thân cho hay.                

hv23411
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tim-cach-giu-chan-dai-bang-5664142.html Copylink