Tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phải rời bỏ thị trường hoặc thu hẹp sản xuất. Khi trở lại trạng thái bình thường mới bằng cách sống chung với Covid-19, DN đứng trước khó khăn về vốn đầu tư, sản xuất. Làm sao để tiếp cận...
Doanh nghiệp “đói” vốn
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đưa ra con số: 40% DN tạm ngừng sản xuất do dịch bệnh. Theo đại diện Hiệp hội các Khu chế xuất TP HCM, nhiều DN tại các khu chế xuất – khu công nghiệp đã và đang chuẩn bị nhà xưởng, máy móc để tái sản xuất trở lại. Tuy nhiên, không ít DN gặp khó khăn về vốn sản xuất nên chậm mở cửa.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Việt Thắng cho hay, một khó khăn mà DN đang phải đối đầu là thiếu vốn để khôi phục sản xuất sau 4 tháng “ngủ đông” vì dịch bệnh. Nếu tiếp cận được nguồn tiền, DN sẽ dễ dàng tái sản xuất hơn.
Về vấn đề này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, việc xử lý nguồn vốn cho DN đang là vấn đề nóng nhất hiện nay. Sở đang kết nối với ngân hàng để giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Theo lãnh đạo ngành công thương thành phố, dự kiến từ này đến cuối năm có khoảng 70.000 tỷ đồng được giải ngân cho các DN. Đây là thời điểm mà nhu cầu vốn tăng cao, không chỉ để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, còn chuẩn bị mùa sản xuất cho thị trường tiêu thụ cuối năm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, sẽ không có tình trạng thiếu vốn sản xuất dù nhu cầu vốn cuối năm tăng cao.
Trong năm 2021, TP HCM có 11 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền cho vay 312.045 tỷ đồng. Mức lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5% đối với cho vay ngắn hạn và 9% đối với cho vay trung dài hạn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có những hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Không để DN “khát” vốn, nhiều đơn vị, tổ chức đang nỗ lực cùng đồng hành với DN. Theo đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đang có nhiều động thái giúp DN tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác. Đơn cử như Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN vừa và nhỏ, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID LinkSME). Dự án này hướng tới đạt các kết quả: Môi trường kinh doanh được cải thiện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa,...
Bà Phan Lệ Hà, cán bộ Dự án USAID LinkSME cho biết: “Hiện, USAID LinkSME đã hợp tác được với hơn 30 DN đầu chuỗi (nhà mua) lớn. Chúng tôi cũng giới thiệu được hơn 156 DN kết nối với các DN đầu chuỗi với tổng giá trị đơn hàng thành công hơn 10 triệu USD”.
Thế nhưng, theo bà Hà, khi tiếp cận để hỗ trợ DN chuẩn bị hồ sơ, bộc lộ một số điểm làm giảm khả năng tiếp cận của DN. Cụ thể, DN có lịch sử nợ xấu; năng lực quản trị tài chính chưa chuyên nghiệp; báo cáo tài chính thiếu minh bạch, rõ ràng; phương án kinh doanh không khả thi, hay vượt quá khả năng,...
Song song các kênh tài chính kể trên, DN có thể vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại để tiếp cận với Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, với những ưu điểm như: lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại, cố định hoặc giảm trong thời gian vay vốn; miễn phí trả nợ trước hạn…. Ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ cho vay, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa cho biết, có 3 đối tượng được Quỹ hỗ trợ gồm: DN nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo; DN tham gia cụm liên kết ngành và DN tham gia chuỗi giá trị. Hiện có 6 ngân hàng thương mại đang hợp tác với Quỹ.
Còn theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng Phòng tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM: Để DN tiếp cận được ngân hàng, về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi theo dõi, giám sát, động viên, khích lệ các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động giảm lãi suất cho DN. Nếu DN tiếp cận khó khăn về mặt thủ tục hành chính, nên phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước thành phố thông qua Sở Công Thương, Hiệp hội DN, Phòng kinh tế các quận - huyện. Qua những đầu mối này, chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý trực tiếp hoặc trả lời tại sao không cho vay vốn”.